Wednesday, January 20, 2016

Chùm thơ Lê Ngọc Kha

    
        QUẢNG TRỊ MẾN YÊU

Quê hương Quảng Trị mến yêu
Qua bao biến chuyển buồn nhiều hơn vui
Hãn giang đá rỉ mồ hôi
Nước non ngàn dặm ngược xuôi dòng đời
Bên cầu Ái Tử mẹ ngồi
Đợi con mòn mỏi bồi hồi xót xa
Nguyễn Hoàng trường cũ thiết tha
Mất tên từ độ vận nhà nổi trôi
Chiến tranh nay đã qua rồi
Mà sao vẫn thấy chưa vơi giọt sầu                                             Bờ tre, bãi cỏ, đàn trâu
Cây đa bến cũ, nhịp cầu vấn vương
Nhớ người, nhớ cảnh ruộng vườn 
Dakrong, Hướng Hóa đêm sương trăng mờ
Nhớ chùa, miếu, nhớ nhà thờ
Đông Hà, Triệu-Hải giấc mơ bóng hình
Nhớ Cam Lộ, nhớ Gio Linh
Vĩnh Linh, Cồn Cỏ nghĩa tình thân thương
Giờ đây cách mấy dặm đường
Biết bao tâm sự canh trường đầy vơi
Dù cho vật đổi sao dời
Quê hương Quảng Trị đời đời mến yêu.
                                                      LNK
        Ghi chú: Những từ in nghiêng trong bài là tên các huyện,
          và thành phố của tỉnh Quảng Trị hiện nay.

               
       CHỢ LỚN

         Viết tặng bạn đồng nghiệp một thời làm việc ở Chợ Lớn.

Chợ Lớn ơi! Làm sao quên được
Gần nửa đời quen thuộc nơi đây
Buồn vui kỷ niệm vơi đầy
Nỗi niềm tâm sự tháng ngày đong đưa.

Chợ Lớn ơi! Tình xưa nghĩa cũ
Bóng hình em ấp ủ mộng mơ
Phòng khuya Thắng Lợi đợi chờ
Tìm đâu ra nữa…Cách bờ đại dương.

Chợ Lớn ơi! Con đường Nguyễn Trãi
Sáu ba năm (635) rẽ phải lối vào
Sáng chiều bè bạn xôn xao
Ngọc Hương quán nhỏ thuở nào thân thương.

        Chợ Lớn ơi! Hùng Vương đại lộ
Số bảy ba (73ABC) đồ sộ nguy nga
Bao nhiêu đồng nghiệp với ta
Kẻ đi người ở chia xa dặm dài.

Giờ nghĩ lại biết ai còn, mất
Gởi vần thơ chân thật ngỏ lời
Chúc nhau vạn sự yên vui
An cư lạc nghiệp cuộc đời thăng hoa.
                                LNK

635 Nguyễn Trải , 73ABC Hùng Vương: Những nơi làm việc
Thắng Lợi: Tên khách sạn gần nơi làm việc
Ngọc Hương:Quán ăn cơm tháng gần nơi làm việc.


       TUY XA MÀ GẦN

Quê mẹ cách xa nửa trái cầu
Nhìn về bên nớ thấy gì đâu
Nghe trong tâm thức nhiều lưu luyến
Bởi tại lòng mang kỷ niệm sâu.

Bởi tại lòng mang kỷ niệm sâu
Nên chi cứ nghĩ có xa đâu
Nhiều đêm tỉnh giấc ngồi suy gẫm
Thầm lặng chấp tay khấn nguyện cầu…

Thầm lặng chấp tay khấn nguyện cầu…
Cầu mong ai cũng hiểu thâm sâu
Đừng vì tư lợi quên Tiên Tổ
Mà chẳng biết mình sẽ tới đâu ???
                                                                        LNK
                            
        NHỚ MẸ


Bài thơ viết vội hôm nay
Mong sao chóng đến, kịp ngày linh thiêng
Mẹ ơi húy nhật lục niên
Lòng con cứ nhớ mẹ hiền không nguôi
Bây giờ cách biệt ngàn khơi
Mẹ miền đất lạnh con nơi xứ người
Cô đơn gõ cửa gọi mời
Lối vào quê mẹ xa vời chim bay
Đêm buồn giăng kín trời mây
Mẹ ơi! Nhớ mẹ mắt đầy lệ rơi.
                                 LNK
              
LÊ NGỌC KHA       
Quê quán: La Duy, Hải Xuân, Hải Lăng       



Chùm thơ Lê Quang Thông

 Lê Quang Thông 
   
THU NÀY HIỀN LƯƠNG

Tôi lại về Hiền Lương
Giữa đêm thu vời vợi
Nghe như tiếng ai gọi
Nghe như lời ai thưa
Sóng nước thầm thì
Bóng cờ thao thức
Rưng rưng cầu bảy nhịp
*  *
  *
Tôi lại về Hiền Lương
Lặng nghe sông hát
Ngập ngừng chân ai bước
đếm tìm thời gian
sáu mươi năm…
Đâu còn  dấu dày đinh cuối cùng của những tên lính Pháp
Đâu còn vết bom đạn Mỹ thời chiến tranh hủy diệt
Nhưng 720 mùa trăng tròn, trăng khuyết
Vẫn còn đây những dấu chân son
Những cô gái Xuân Hòa, Xuân Mị, Xuân Long***

Mỗi ngày sang gánh nước trong
Cùng những chàng trai Hiền Lương
Soi mình vào Giếng Ván (*)
Chuyện của lứa đôi có thể không thành bầu thành bạn
Nhưng tình đôi bờ vẫn trọn vẹn thủy chung
*  *
  *
Tôi lại về Hiền Lương
Làng kiểu  mẫu Sơ men đoong **
Cùng soi chung cả nước
Cho Bến Hải không bên trong bên đục
Cho Hiền Lương không bên lở bên bồi
Để Hiền Lương đêm nay
Đường nối đường thắp lữa
Nhà nối nhà lên phố
Vẫn thướt tha dưới những mái tre làng
Vóc dáng mới quê hương
Cử như là huyền thoại 

Bất chợt nhìn lên Kỳ đài vòi vọi
Trời mây đỏ rọi
Giữa vằng vặc một vầng trăng thu
                                         8-2014
                                          L.Q.T

                                        

* Giếng cổ xây bằng gổ, giếng nước ngọt duy nhất của thôn Hiền Lương trước đây.
** Làng kiểu mới theo dự án  SENMAUUNDONG Hàn Quốc
*** Ba thôn ở bờ Nam cầu Hiền Lương cùng uống chung nước Giêng Ván  


NGHE EM HÁT SÁNG NAY                              
                                
Tặng Đội văn hóa –thông tin Vĩnh Linh       
         
Ngồi nghe em hát sáng nay *
Bâng khuâng nhớ những tháng ngày sục sôi
“ Vĩnh Linh đất mẹ ta ơi!
Trăm thương ngàn mến đầy vơi nghĩa tình”
Câu hò nghẹn lại giữa dòng
Cậy đàn chim gửi tấm lòng về Nam
“Dù cho bến cách sông ngăn
Dể gì chặn được duyên anh với nàng
Xé mây cho ánh trăng vàng
Cho sông nối bến cho nàng về anh”
Lời thề son sắt thủy chung
Ghi lời mẹ dặn, súng cầm chắc tay
Zô hò...Trận tuyến là đây
Núi sông ta giữ trời này của ta
Thắm tô dòng máu ông cha
Vĩnh Linh sáng mãi bài ca anh hùng
Nhớ sao những buổi hành quân
Trường Sơn mây phủ điệp trùng quân đi
Cửa Tùng sóng dậy bên ni
Thuyền ra Cồn Cỏ, thuyền đi tiếp hàng
Gái trai bám đất giữ làng
Tay cày, tay súng vẹn toàn cả hai
Cắm cây lúa giữa bom rơi
Hạt gạo bẻ nữa gửi người tiền phương
Hỏi có nơi nào như Vĩnh Linh!
* *
 *
Tôi về từ sáu mươi năm
Lũy hoa, lũy thép kiên cường là đây
Ngồi nghe em hát sáng nay
Rưng rức nhớ… rưng rưng đầy niềm tin.
                                                                                 Tháng 6/2013
                                                                                      L.Q.T

•        Chương trình văn nghệ của Đội thông tin tuyên truyền Vĩnh Linh tại buổi khai mạc trại sáng tác văn học “Vĩnh Linh lủy thép, lũy hoa” sáng 22/6/2013.



                                  
HỒ XÁ
                   
Hồ Xá!                   
Tên có từ bao giờ?                    
Mà quen                    
Mà lạ                   
Bóng ai bên hồ bái tạ
                    
Hồ Xá!
Nơi có trường cấp III Vĩnh Linh
Mục tiêu ném bom đầu tiên
mở đầu cuộc chiến tranh hủy diệt
nhằm đúng vào ngày mồng 5 tết *
ngày tựu trường đàu năm
Lớp học vùi sâu dưới những hố bom
Chúng tôi đến trường bằng những bó nhang
Những nén nhang đầu tiên trong cuộc đụng đầu lịch sử
Khói trắng cuộn thành 8 vòng tròn trước  mộ
                       
Hồ Xá                        
Nơi có Đài Anh hùng                         
Và Nghĩa trang liệt sĩ                         
Ngày càng to rộng hơn                         
Đẹp như công viên                        
Mà uy linh trầm mặc                         
Trên những tấm bia công tích                         
Loang lỗ vết bom thù                         
Các anh đã thiên thu                         
Mà tên tuổi kẻ thù còn khiếp sợ                         
Để chiều nay giữa hoàng hôn cháy đỏ                          
Nghe trùng trùng điệp điệp khúc hành quân                         
Ngân lên từ 5000 sinh linh
                   
Hồ Xá!                   
Sáng nay
Mưa như từ đất bay lên                  
Bầu trời sặc nước                   
Nhòe nhoẹt những bóng người                    
Lớp lớp                   
Đang về                  
Cho mát lành những bước chân quê              


                     
Hồ Xá!                     
Tên có từ bao giờ?                      
Mà quen                      
Mà lạ                      
Bóng ai bái tạ                      
Bên hồ          
Hồ Xá ơi!
                  
                                                                              Mùa thu 2014
                                                                                     L.Q.T.
     (Lê quang Thông 23 Phạm Dình Hổ KP3 P5 TP đông Hà)


 Ngày 8/2/1965 (mồng 5 tết  Ất Tỵ) giặc mỹ ném bom trường cấp III Vĩnh Linh thị trấn Hồ Xá, mở đầu cho cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mỹ ở khu vực Vĩnh Linh





VỀ QUÊ TÌM LẠI - thơ Hữu Dương

VỀ QUÊ TÌM LẠI                                      

Bởi xa quê nên nổi nhớ xao lòng
Cứ dùng dằng nửa về rồi nửa ở
Thôi thì đành gác lại chuyện áo cơm
Làm một chuyến ngao du về quê cũ

Quảng Trị đây rồi tháng này nắng hạ
Cơn gió Lào vồn vả đón khách xa
Nồng nhiệt quá nên tôi liêu xiêu mãi !
Bao nhiêu năm rồi mà chẳng phôi phai !

Đồng làng  sáng nay bầu trời yên ả
Con chiền chiện lơi lả giữa thinh không
Ruộng lúa xanh tươi đang thời con gái
Tôi say mê nên mãi miết đứng nhìn

Cơn mưa giông chiều nay bất chợt đến
Vội vả tuôn nhanh rồi thảng thốt dừng
Con đường làng bốc lên mùi Mưa – Nắng
Nghe nóng dưới chân nhưng lạnh trên đầu

Ngôi nhà cũ ngày xưa giờ nhỏ lại
Lối đi về ngày tháng cũng hẹp theo
Tôi đứng lặng trước hiên mà bổng nhớ
Ký ức ngày nào rộn rã trở về

Kìa dáng Mẹ khom mình bên bếp lữa
Ống quần xăn quá gối chẳng kịp buông
Khươi nhúm rơm khô, thổi cháy bùng bùng
Tan đồng muộn bữa cơm trưa vội vã

 Kìa dáng Cha tất tả bước ra đồng
Chiếc áo tơi móc vội cuối diệp cày
Cái nón cời lơ lửng giữa lưng tay
Áo sờn vai rộp muối trắng mồ hôi

Kìa dáng tôi lửng thửng bước theo cha
Cuốc trên vai mắt vẫn còn ngái ngủ
Bởi hôm qua thức muộn rủ rơm khuya
Tuổi thiếu niên nên thiếu cả mọi điều

Tôi tìm lại tôi tháng ngày vất vả
Bàn tay bong chưa quen lắm cuốc cày
Chân học trò sao dẳm được đất chai
Đôi vai gầy nhẹ gánh vẫn còn đau

Và tìm đâu đây trên nẻo đường làng
Những nụ hôn xưa có còn sót lại
Của mối tình đầu thơ dại mới lên
Cùng nỗi đợi chờ em đến dưới trăng

Giọt nước mắt người con gái tôi yêu
Đã khô chưa tiển tôi ngày nhập ngũ
Trang nhật ký viết vội trong đêm tối
Lệ em rơi nhòe chữ một đôi dòng !

Những ngày ở quê nhanh như gió thoảng
Sắp chia tay mà vẫn còn bịn rịn
Trời xanh kia thấu hiểu đã làm mưa
Chút chạnh lòng tiển đưa người viễn xứ !

Hữu Dương
Những ngày về quê – cuối hạ 2014 ( An Cư – Triệu Phước)

Chùm thơ Trúc Nhân

TÌNH QUÊ

Ngày tôi ra đi tóc vẫn còn xanh
Đôi vai rộng gánh bao nhiêu mộng ước
Ngày trở về đầu xanh không còn nữa
Lưng đã còng bao sóng gió đi qua.

Nhưng ký ức, tình yêu vẫn còn mãi
Con đường làng chạy dài của tuổi nhỏ
Chiếc cầu xinh vắt vẻo nối đôi bờ
Con kênh nhỏ chuổi ngày ngụp lặn

Đây Phường Sắn, những đồi sắn lang thang
Bảy dũng sỹ hy sinh vì giử đất.
Đây Lavang tiếng chuông chiều nhuộm tím
Tuổi thơ tôi chạy nhảy trên đồng…

Buổi bình minh trốn tìm con dế nhỏ
Buổi nắng chiều vội vã cắn cần câu
Con suối nhỏ lùa trâu về ồn ả
Trang sách hồng bỏ ngỏ tuổi thơ trôi..

Mẹ đã già cắm cúi nhặt cọng rau
Nấu cho con như ngày xưa khốn khó
Lá môm úa mẹ giờ thôi muối mặn
Cơm thơm nồng quên buổi độn khoai…

Tôi xám hối trong cơn mưa chiều hạ
Lòng mát tươi như được phước lành
Ôi! Quê hương không trách tôi xa bỏ
Vẫn yêu thương vẫn ôm ấp ấm nồng

Ai xa quê mới hiểu tình của đất
Ai xa mẹ mới hiểu lòng của mẹ
Con đã già nhưng mẹ xem còn nhỏ
Luộc cho mi; rau muống, rau lang…

Tình của quê đậm trong từng ngọn cỏ
Vẫn ấm nồng như lòng mẹ chở che
Hải Phú ơi! con lại về đằm thắm
Và quê hương đợm nghĩa yêu thương….
                                            11/2015
                                         Trúc Nhân



CHA
                   (Viết tặng Cha sau ngày mất)

Ngày con sinh ra Cha còn rất trẻ
Cha nâng con nhè nhẹ trên tay
Với nụ cười ấm áp trên môi
Rồi con lớn Cha vui theo năm tháng
Dõi theo con từng bước vào đời
Lo cho con từng miếng cơm manh áo
Khi con đau từng bát cháo thuốc thang
Khi con lớn dạy con điều hay lẽ phải
Nắn cho con từng nét chử vào đời

Rồi chiến tranh! Chiến tranh xảy ra
Giặc tàn phá quê nhà trong đạn lửa
Cha đứng lên cầm súng cầm rựa
Đánh quân thù gìn giử quê hương
Cuộc chiến tranh gian khổ can trường
Cha theo Đảng vào Nam ra Bắc
Rồi những ngày địch bắt tù đầy
Những trận đánh chìm trong lửa đạn
Cha vẫn về đêm đêm bên con.

Cha một thời vất vã đạn bom
Ngày giải phóng ôm con còn khói súng
Đôi tay thô, làn da vàng võ
Nụ cười hiền ánh mắt yêu thương
Nhưng cuộc sống bao điều còn bề bộn
Cha bắt tay xây dựng lại quê nhà
Dù vất vã vẫn thắm tình Cha nghĩa Mẹ
Maí tranh nghèo vẫn ấm bước Cha về
Bữa cơm khoai cõng từng hạt gạo
Cha nhịn đói nhường cơm cho từng đứa
Lòng quặn đau khi các con chưa no...

Cha ơi Cha ! khi các con lớn khôn
Cha lại già lại yếu hơn xưa
Vết đạn củ trở trời thêm đau nhức
Khớp gối đau, nay lại đau hơn
Còn các con tảo tần mọi phương
Xây ngôi nhà hạnh phúc mỗi đứa
Khi nên nghiệp chợt lắng lòng nghĩ lại
Nhớ về Cha ! Cha già mến yêu!
Cha mỗi ngày mỗi ngày lại yếu thêm
Các con xa không ai bên cạnh
Mẹ vất vả ngày đêm sớm tối
Chăm cho Cha từng bát cháo niếng cơm
Ngày Cha ốm các con đôi lần vội vã
Về thăm qua rồi lại ra đi
Ngày Cha mất các con thấy lòng hối tiếc
Chưa một ngày thực sự chăm Cha.

Con quỳ xuống bên linh cửu Cha yêu
Xin tạ tội những điều chưa báo hiếu
Cha ơi Cha ! phút giây từ biệt
Mới thấy lòng vô hạn thương Cha
Giờ mới hiểu tấm lòng Cha lớn lao
Suốt một đời tần tảo nuôi con
Suốt một đời dùng thân che đạn pháo
Suốt một đời theo dõi con lớn khôn
Và bao dung bao lầm lỗi con hư....

Tám mươi năm Cha sống trên đời
Sáu mươi năm một lòng theo Đảng
Bao nhiêu năm lo việc Họ việc Xóm
Suốt cuộc đời chăm chút vợ con
Giờ Cha thấy như vừa xong việc lớn
Nhẹ mĩn cười xa biệt các con..

Con quỳ xuống bên linh cửu Cha yêu
Xin tạ tội những điều chưa báo hiếu
Vĩnh biệt Cha con nguyện ghi nhớ
Điều Cha mong Cha dạy trên đời
Con ơi hãy:
                       SỐNG CHO NÊN NGƯỜI !
                                 31-12-2012
                                Trúc Nhân



EM LÀ HƯƠNG HOA CAU

Một sáng mai tỉnh dạy
Hương cau thơm đầu hè
Nụ hoa tròn rơi xuống
Nơi hẹn hò đêm qua
Cho sáng nay nở hoa
Toả hương thơm ngào ngạt
Làn hương mang vị ngọt
Của tình yêu đắm say
Làm tim ai ngất ngay
Trong hương cau ưu ái
Thơm ngát cả góc vườn
Thắm đợm hồn tơ vương...

Tình là hương hoa cau
Đêm qua còn giử lại
Trong nụ hoa e ấp
Sáng nay nở ngọt ngào..
                 2-1992
                Trúc Nhân


EM VÌ SAO !

Em vì sao em buồn
Đôi mắt vời vợi nhớ !
Em vì sao em nhớ
Đôi mắt buồn mênh mang !

Nụ buồn nào thoáng qua
Gửi vào trời lộng gió
Tình yêu nào chớm nỡ
Để mắt sầu nhớ thương !

                              Năm 1987

                              Trúc Nhân

Friday, November 20, 2015

VÌ ĐÂU NÊN NỖI? - Truyện ngắn Hoàng Đằng


Hoàng Đằng

VÌ ĐÂU NÊN NỖI? *
Truyện ngắn


Anh luôn ở trong nhà. Việc đi ra ngoài đơn giản thế mà, đối với anh, cũng không được.
Cánh tay phải co rút, khuỷu tay thành một góc vuông, bàn tay cong queo nằm ngang ngực, bàn chân bên phải kéo lết, nhấc không lên, muốn di chuyển, anh phải chống gậy. Quần áo nhàu nát, trông không được sạch sẽ, đầu tóc rối bù xù, anh mới 50 tuổi mà dáng dấp như một ông cụ 80.
Anh sống ở một làng quê vắng vẻ. Đường làng luôn im mát; ánh mặt trời không làm sao xuyên lọt qua vòm ngọn tre dày lá úp chéo lên nhau từ hai hàng tre hai bên.

Ngay giữa ban ngày, khách vào làng muốn tìm nhà ai, hỏi chuyện gì rất khó khăn. Hiếm người tới lui trên đường, nhà nào cũng khép cửa. Có lẽ mọi người đều ra đồng hoặc đi làm ăn xa.
Căn nhà lợp tôn fibro-ciment, màu tôn sẫm đen, tường xây gạch đúc bằng ciment (hay vôi) và cát sạn - chỉ xây, không tô trát, loang lỗ từng mảng, nền nhà bằng đất nện, sủi bụi, không lì phẳng.

Trong nhà, đồ đạc chẳng có gì đáng giá.

Ở căn đàng đông, cái giường tre trải chiếu lác rách để lộ những thanh vạc kết bện bằng mây gãy nhiều đoạn; trên đó, một cái rechaud nấu bằng dầu hỏa, hai cái soong nhỏ nhọ bám dày sắp một hàng dọc ở mé trong.

Ở căn giữa, cái sập đóng bằng ván ép lấy từ doanh trại quân đội Mỹ, bên trong không biết đựng gì; còn bên trên, ở chính giữa, bày biện một bàn thờ: lư hương, di ảnh một bà già, cây đèn dầu bé tí – đó là nơi thờ người mẹ thân yêu của anh vừa mất cách đây mấy tháng; một que hương đang cháy, những tia khói nhỏ cuộn hình lò xo bay lên.

Ngôi nhà nằm giữa khu vườn rộng, chi chít cây ăn quả: nào là ổi, nào là chanh, nào là cam, nào là vả, nào là mít ... Bóng râm che kín mặt đất, không có một cây hoa dại, cỏ dại nào mọc nổi.
Trước nhà, một đám đất trống dày đặc cỏ cú xanh lè. Sân nhà anh đấy! Hiếm bước chân giẫm lên, đất màu mỡ do phù sa bồi lợp, cỏ dại tha hồ sinh sôi nẩy nở.

Anh đang sống lủi thủi một mình, kéo sự sống qua ngày nhờ một phần vào trợ cấp ít ỏi của Nhà Nước, một phần vào sự giúp đỡ không đều của bạn bè, và một phần vào sự chiếu cố họa hoằn của những nhà hảo tâm.

Dù sao, anh vẫn làm thơ, viết văn. Viết để quên thời gian, viết để quên hoàn cảnh bi đát, viết để giải tỏa tâm sự, viết để khoe với những người có lòng tốt thỉnh thoảng đến thăm.

Anh mồ côi cha lúc mới một tuổi. Mẹ anh chỉ sinh một mình anh. Bà góa chồng lúc 20 tuổi. Bà ở vậy thờ chồng, nuôi con. Tất cả tương lai của bà kỳ vọng vào anh; bao nhiêu dục tình của bà không bùng vỡ được là nhờ có anh bên cạnh.

Anh sinh ra và lớn lên trong thời chiến. Giữa bom rơi đạn nổ, mẹ con luôn bên nhau; lúc anh thơ dại, mẹ bồng bế, lúc anh biết đi, mẹ dắt dìu. Khổ nhất là những khi chiến sự xảy ra tại quê nhà, mẹ con phải tản cư từ nơi này qua nơi khác.

Anh đến tuổi đi học; mẹ gởi anh đến trường, học hành tử tế. Tốt nghiệp đại học, anh ra đời có công ăn việc làm đàng hoàng.

Trong làng ở xóm dưới, một cô gái cùng học với anh và ra trường cùng làm một cơ quan với anh. Anh và chị chung lối đi, chung đường về, lâu ngày, đem lòng yêu nhau. Rồi họ hàng hai bên tác hợp vợ chồng cho anh chị.

Một gia đình hạnh phúc đang thành hình; mẹ lo việc nhà, vợ chồng đi làm công sở, xứng đôi vừa lứa. Cuộc sống không có chi gọi là giàu có, nhưng thoải mái; thấy vậy, dân làng ai cũng thèm, cũng khen, cũng mừng.

Hạnh phúc chưa được bao lâu thì anh đột ngột bệnh. Nghe nói trong đêm đang ngủ với vợ, anh bỗng thở mạnh, nhịp thở không đều, hụt hơi từng chặp, anh đau quặn ở trong lồng ngực, đau dữ dội trên đầu, rồi hôn mê, nằm liệt. Hoảng hốt, mẹ và vợ đưa anh đi cấp cứu ở bệnh viện.
Mẹ và vợ luôn ở bên anh, lo lắng theo bệnh tình của anh. Nhà đóng cửa cả thời gian dài. Ai cũng nghĩ anh sẽ chết, để lại mẹ già và vợ “dại”. May là qua thời gian, anh tỉnh dần, cử động được chút ít, miệng nói được, nhưng tiếng không rõ.

Anh ra viện trong tình trạng mới đi được chập chững. Về gia đình, sức khỏe anh phục hồi dần. Vợ anh trở lại công sở, mẹ một mình ở nhà săn sóc anh.

Đêm về, mẹ nằm riêng trên sập; vợ chồng anh nằm ở căn đầu đông.

Rồi vợ anh có triệu chứng “hôi cơm tanh cá”, thường nôn ọe. Chị có thai; nhìn bụng mình lớn dần, chị rất phấn khởi; dù sau này anh tật nguyền, đứa con sẽ là sợi dây gắn kết hôn nhân có hậu, bền lâu giữa anh và chị. Đi đâu, gặp ai, chị cũng khoe sắp có con. Anh thì bình thản, không tỏ vẻ gì mừng vui hay buồn bực. Nhưng tính tình mẹ anh trở nên bất thường, lúc thì mừng vì sắp có cháu, lúc thì nghi ngờ khả năng tình dục để sinh con của anh.

Vì thế, không khí gia đình mỗi ngày mỗi nặng nề ngột ngạt.

Thấy bụng chị to, mấy bà hàng xóm “dư công rỗi việc” đưa ra những bình luận tiêu cực. Dư luận đã làm mẹ anh trở nên cáu gắt, đổ tội cho con dâu ngoại tình.

Vợ anh bị chưởi mắng thường xuyên vì những chuyện “không đâu vào đâu”. Làm cá, chị bị chê không đánh sạch vảy, nấu cơm mềm, bị chê nhão, nấu cơm khô, bị chê cứng ... Chị cứ cúi đầu chịu đựng những búa rìu của “mụ gia” khó tính. Để tự an ủi, chị cứ nghĩ: ấy là chuyện thường thôi. “Thương trái ấu cũng tròn, ghét trái bòn hòn cũng méo”. Chị nhẫn nhục, hy vọng thời gian sẽ minh oan cho chị.

Chị về “vượt cạn” ở nhà cha mẹ đẻ - sinh một bé gái. Mẹ anh không hề lai vãng; cháu đủ tháng, bà cũng không đến bàn chuyện tổ chức “khẳm tháng”. Cháu sinh ra đủ ba tháng 10 ngày, theo tập quán, bà cũng không đến rước dâu và cháu nội về nhà.

Một buổi sáng, mẹ chị dìu chị và ẵm cháu về lại nhà anh. Họ mới tới cổng, mẹ anh nhìn ra, thấy, gào thét:

- Ôi Trời ơi! Đất ơi! Lấy thằng mô có con thì đem về nhà thằng ấy, đừng đem “phong long” tới đây. Trời ơi! Đất ơi!

Bà vừa la vừa chạy ra, một tay cầm cái chổi, một tay cầm nắm rơm và một nắm lá bốm chuẩn bị sẵn. Bà bật lửa, đốt lên ở giữa lối vào, lá bốm cháy nổ lách tách; bà đưa chổi khua qua khua lại trước mặt bà thông nghị, con dâu và đứa cháu nội.

Chị ẵm con theo mẹ đẻ trở về.

“Bụng buồn chẳng biết nói năng chi”. Trớ trêu thay! con chim khuất trong tán lá cây khế cao trong vườn nhà bên đường, cất tiếng hót từng hồi; tiếng hót con chim là do trời sinh, chắc chắn mang thông điệp vui chào mừng một ngày mới. Tuy nhiên, với tâm trạng lúc ấy, chị nghĩ con chim cũng quái ác không kém gì con người, chị nghe rồi diễn dịch tiếng hót như một lời xua đuổi hùa : ”Đi về cả hết! Đi về cả hết! Đi về cả hết!”

29/9/2014