Monday, September 22, 2014

VỀ THĂM QUÊ NỘI - Trần Thị Ngọc Ly

VỀ THĂM QUÊ NỘI


Quê hương của con là Quảng Trị (làng Tả Hữu, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong). Tuy không phải là nơi có cảnh quan đẹp, nhưng cũng là địa danh khá hấp dẫn: "Làng quê ven sông”. Sau lưng làng có dòng sông Vĩnh Định, có lũy tre bao bọc. Trước mặt làng có đường quan lộ chạy dài từ thị xã Quảng Trị đến chợ Cạn, có
mương thủy lợi dẫn nước từ thượng nguồn “đập Trấm” dẫn nước về cho dân chúng làm lúa 3 vụ, có cầu Ba Bến bắt ngang qua sông. Có cánh đồng lúa rộng bao la, cứ mỗi lần vào vụ mùa thì dân chúng trong làng tập trung ra đồng gặt hái. Trước đây ở quê nhà con trâu cái cày là nông cụ sản xuất rất thiết thực cho người nông dân, họ xem con trâu như bấu vật, cắt cỏ về cho ăn, tắm rửa sạch sẽ. Họ tâm sự với trâu như tâm sự với người:
Trâu ơi! Ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cày cấy vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đó ai mà quảng công…
Kể từ khi con người tiến bộ, máy cày, máy gặt thay thế cho người và trâu, thì con trâu trở thành vật sử dụng làm thực phẩm.
Làng nằm gọn giữa hai dòng nước, mương thủy lợi và sông Vĩnh Định giống như một cù lao đảo.
Theo lời nội kể trong những năm trước đây, đường sá đi lại khó khăn, leo đèo lội suối. Sông Vĩnh Định là đường thủy thuận lợi nhất. Con sông bắt nguồn từ nhánh sông Thạch Hản chạy ven qua các làng mạc mãi đến tận Huế. Cứ mỗi năm khách buôn bán dùng thuyền bè chèo dọc sông Vĩnh Định đưa hàng hóa từ miền xuôi đến miền ngược “chợ phiên Cam Lộ để trao đổi”. Đò chèo ban đêm, tránh thức khuya mệt mỏi những đôi trai gái cất lên những điệu hò tiếng hát trong đêm thanh vắng, có thể nói rằng một cảnh thanh bình thật sự.
Trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, sông Vĩnh Định là đường thủy duy nhất chở cán bộ từ vùng đồng bằng lên vùng chiến khu hoạt động.
Đò em lên xuống Ba Lòng
Chở người cán bộ lên vùng chiến khu
Mùa đông sóng cả gió to
Lạy trời thuận gió lên cho kiệp về

Dòng sông Vĩnh Định hôm nay không còn hiền hòa như trước nữa, về mùa hè nước nằm im lìm dưới đáy sông, những con tôm cá đang ẩn mình chống chọi với cuộc sống. Về mùa bão lũ sông Vĩnh Định như một hung thần cuốn trôi biết bao nhà cửa làng mạc (khi đập Trấm xả lũ). Vẫn biết rằng quê hương là ở đó, nhưng gia đình chúng con chưa lần nào được về thăm quê bởi vì các lý do sau :
Năm 1975 sau ngày tàn chiến cuộc, hai miền Nam Bắc nối lại. Ông bà nội cùng gia đình từ Đà Nẵng về quê sinh sống. Về đến quê nhà thấy cảnh tượng quê hương quá hải hùng Thành Cổ Quảng Trị hoàn toàn sụp đổ, nhà cửa, chùa, nhà thờ, trường học trở thành đống gạch vụn. Tàn dư chiến tranh còn để lại rất nhiều, bom, mìn rải rác khắp mọi nơi. Người dân ở quanh vùng thị xã cùng nhau tìm đến thành cổ đào bới để kiếm những mảnh bom, ống đạn… đem về bán kiếm sống qua ngày. Ông bà nội cũng có mặt trong số những người đó. Khi nghe một tiếng nổ lớn đã biết có người ra đi. Vẫn biết rằng giữa cái sống và cái chết rất gần gũi, nhưng vì mưu cầu sự sống, họ là những con thiêu thân lăn mình vào để kiếm ăn bất chấp sự nguy hiểm.
Cảm nhận được điều đó, ở quê nhà không thể tiếp tục sống được, phần thì lo sợ bom mìn, hơn thế nữa ruộng vườn, đất đai, nhà cửa đều đưa vào làm tập thể “hợp tác xã nông nghiệp” mức ăn của xã viên tính bằng công điểm.
Thế rồi ông bà nội cùng gia đình tìm vào Nam lập nghiệp. Nơi đặt chân đầu tiên là xã Mepu, huyện Đức Linh, tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận). Nơi đây rừng nguyên sinh còn nhiều đất đai phì nhiêu màu mỡ, nếu chịu khó phá rừng kiếm đất làm nương rẫy có thể khấm khá hơn. Nào ngờ chưa được một năm, vùng này có kế hoạch đưa dân vào làm hợp tác xã nông nghiệp thí điểm giống như ở quê nhà. Dân Bình Trị Thiên đến ở quy tụ lại một vùng ở đèo Bà Sa. Thành lập khu kinh tế mới, phát 6 tháng gạo ăn. Người dân thấy chán nãn. Những ai có tiền của khấm khá lại tiếp tục ra đi tìm vùng khác. Những kẻ thất cơ lỡ vận thì bám trụ. Đúng như câu ca thường nói “tránh trời không khỏi nắng”. tuy rằng ở nơi đây đất đai phì nhiêu, nhưng khí hậu lại quá khắc nghiệt, sốt rét rừng đã cướp đi dân Bình Trị Thiên đến ở chưa đầy một năm mà đã chết hơn 100 mạng người “toàn là trẻ con và đàn bà có thai” đàn bà có thai chết một thành hai. Hết đường đi gia đình ông bà nội của con bám trụ lại được 8 năm. Bố con và các cô chú đều bị thất học, học hết bật tiểu học là phải ở nhà làm ruộng.
Mãi đến năm 1986 ông bà nội lại một lần nữa chuyển cả gia đình từ Bình Thuận về Đồng Nai cho đến bây giờ. Bố con và các cô chú cũng đến tuổi trưởng thành định vợ gả chồng. Bố con người Trung “Quảng Trị” lấy mẹ con người Bắc “Ninh Bình” và sinh ra chúng con.


ĐƯỜNG VỀ QUÊ NỘI

Năm nay luôn tiện chị em chúng con nghỉ hè và theo nguyện vọng của ông nội muốn về quê thăm một chuyến. Trước là thăm quê, thăm mồ mả ông bà. Sau đó tranh thủ đi thăm thầy cô và bạn bè của nội hiện đang sinh sống tại quê nhà. Nhận thức được cuộc sống của nội như ngọn đèn trước gió. Căn bệnh ung thư dạ dày chẳng mấy khả quan nên gia đình bố con và các cô chú để cho nội ra quê, chị em chúng con tháp tùng đi theo. Phương tiện đi bằng tàu Thống Nhất, đăng ký và khởi hành tại ga Long Khánh. Con nhìn chiếc tàu dài đang đậu trên đường rây như một con rồng đứng chờ sẵn, nó nuốt biết bao nhiêu hành khách lên tàu, cũng như nhả ra biết bao nhiêu hành khách xuống tàu. Kẻ ở người đi, tiếng còi báo hiệu làm cho lòng người buồn rười rựợi. Trong toa tàu toàn là người dân Quảng Trị, Huế. Ngồi trong tàu nhìn ra hai bên đường sá, nhà cửa san sát, vào ban đêm những ánh đèn lấp lóe trông rất đẹp mắt. Khi tàu dừng lại những ga nào đó lại có người buôn bán hàng rong mang những đặc sản của quê hương họ đến bán cho hành khách mang về làm quà biếu, tha hồ mà mua miễn co tiền. Con rồng đang vun vút chạy qua những làng mạc, những cánh đồng, những rừng già, tiếng còi báo hiệu vang vọng trong đêm thanh vắng làm cho lòng người xúc động.
GANIMORIO : Nhân viên trên tàu thông báo cho hành khách biết : tàu sắp sửa qua hầm “đèo Hải Vân” và sắp đến Huế, bà con ai xuống ga Huế chuẩn bị hành lý. Một bà cụ ngồi bên một cô con gái, cụ vỗ vai cô kia mà hỏi GANIMORIO. Cô kia trả lời, qua khỏi hầm là ga Tuồi “Truồi” mụ xuống mô. Hai người trao đổi với nhau bằng tiếng địa phương chị em chúng con chẳng hiểu gì cả. Em gái của con hỏi nội. Nội ơi! Bà ấy người Việt sao nói bằng tiếng nước ngoài. Bà cụ nhìn chằm chặp vào mặt nó mà hỏi “rứa mi ở mô mà nói tao nói tiếng nước ngoài” mọi người ngồi trên tàu che miệng cười. Ông nội xin lỗi bà cụ và giải thích cho nó. Bà ấy muốn hỏi ga này là ga nào. Lắng nghê cụ hỏi con lại liên tưởng đến 4 câu thơ của nhà thơ Đông Huy Hồ Thịnh đăng trong tập hương quê nhà 2007 :
Từ Đồng Nai tôi về thăm Quảng Trị
Xa cách lâu ngày thương nhớ quê hương
“Thống nhất” tàu ơi! Mau lên với chứ
Ga nào đây! Tiếng hỏi vọng đêm sương
Ông Hồ Thỉnh về thăm quê thì quê hương vừa tàn chiến cuộc. Cảnh điêu tàn của quê hương không thể nào tưởng tượng nổi:
Thành phố đây ư! Nhìn mà bỡ ngỡ
Cảnh điêu tàn đến thể hỏi ai tin
Ông còn cho rằng chiến tranh Quảng Trị tàn khóc hơn quả bom nguyên tử thả xuống đất Nhật trước đây:
Thành phố đổ địa cầu nghe nứt rạn
Tiếng đạn bom còn kinh mông dân lành
Herrosima trường kỳ Nhật Bản
Đâu có bằng Quảng Trị phải không anh
Thế mà hôm nay ông cháu chúng con về thăm quê thì quê hương hoàn toàn đổi mới, đường xá, cầu cống, lầu đài thật kiên cố. Cuộc sống có vẻ rất ấm no tuy nhiên nội còn băn khoăn ngôi trường mang tên chúa Nguyễn Hoàng chưa được tái sinh.
Lần này trở lại thăm quê hương
Thỏa lòng mong ước kẻ tha phương
Quê hương bây giờ thay đổi mới
Nhà của khang trang tựa phố phường   (Trần Lịch)

QUÊ HƯƠNG LÀ CHÙM KHẾ NGỌT

Có ra đi mới thấy nhớ nhà
Ở xứ người mới thấy quê ta mặn nồng
Tàu chạy chậm ở ga Quảng trị để cho hành khách xuống, ra khỏi ga đã thấy bà con chờ sẵn. Ba xe nổ chở ông cháu về nhà. Xe chạy qua đường thị xã, ngang qua một ngôi trường bên tay phải mang tên trường THPT Quảng Trị. Ông nội chỉ tay vào đó mà nói:  “cũng tại địa danh này, cũng tại ngôi trường này trước là trường TH Nguyễn Hoàng Quảng Trị, nội đã học ở đây 6 năm từ năm 1956 đến năm 1962 bây giờ thay tên đổi chủ”. Qua cử chỉ lời nói và khóe mắt của nội con cảm nhận được nội rất buồn. Ghé Quảng Trị ăn sáng được mấy ông cho ăn cháo nghóe. Nhìn thấy những con Nghóe giống con chàng hương hai chân dài mà phát ớn. Mấy ông đưa cho hai chị em chúng con hai tô mà bảo ăn đi con ngon lắm đó, để hưởng thụ mùi vị quê hương của mình. Lúc đầu thấy sợ nhưng ăn vào lại ngon, mặn mặn thật khoái khẩu.
Qua hai ngày đi đường quá mệt mỏi về đến nhà ông Lảm mấy ông cháu vùi đầu ngủ một giấc thật ngon. Qua ngày hôm sau mới đi thăm bà con nội ngoại đến nhà nào họ cũng tay bắt mặt mừng và có nhả ý mời ông cháu ở lại dùng cơm thân mật.
Làng có 4 họ tộc, 2 họ Trần và Phan có gia đình khá đông nên mỗi họ làm một nhà thờ để thờ phụng. Có một đình làng để thờ ông Thần Hoàng “vị tiền khai khẩn” hàng năm làng và mấy họ đều có tổ chức vật heo bò cúng bái cho dân chúng ăn. Mồ mả được xây dựng ở một vùng đất cao, xây lăng đắp mộ thật đẹp đẽ. Đặc biệt hơn hết là tình làng nghĩa xóm rất đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau khi sống cũng như khi chết, không có trộm cắp. Theo điều lệ của làng nếu con em trong làng xảy ra trộm cắp, dan phu dâm phụ, bạo hành gia đình, làng có điều lệ rất nghiêm khắc. Trong làng không xảy ra trộm cắp, ban đêm ngủ không đóng cửa xe cộ để bên ngoài không sợ mất rất đúng với câu “phép vua thua lệ làng”.
Vỏn vẹn ở được mấy ngày mà bà con nội ngoại tụ họp lại thăm hỏi đông đúc, một cảnh tượng khá đầm ấm đượm tình quê hương, tiếng hỏi địa phương của nội chị em chúng con chẳng hiểu được mấy
Về thăm quê nội hôm nay
Lần đầu gặp gỡ phút dây ngại ngùng
Bà con nội ngoại vui mừng
Kẻ chào người hỏi ngập ngừng lắng nghe
Tiếng nói quê nội khó ghê

KẾ HOẠCH KHÔNG THÀNH

Theo dự kiến của nội về thăm lần này tranh thủ đi thăm thầy cô đang còn ở lại quê hương :
Ra Đông Hà thăm thầy Thị, thầy Đằng, ông bà Văn Mạnh và một số bạn đồng môn.
Về Quảng Trị thăm một số bạn đồng môn
Ngày trở về ghé Huế thăm thầy Duyên, cô Sa Đa, thầy Sét, thầy Tống Viết Mận, ông Trương Sĩ Sằn, bà Quỳnh một số bạn đồng môn ở Huế
Ghé về Đà Nẵng qua Sơn Trà thắp hương cho thầy hiệu trưởng Thấy Mộng Hùng, thăm thầy Hồ Ngọc Thanh, cô Em, ông Thái Tăng Phương, ông Bình, bà Thu Ba, bà Hồng và ông Phước và một số bạn đồng môn ở Đà Nẵng
Ghé Nha Trang thăm thầy Thiện, bác sĩ Lộc và cô Phạm Thị Minh Châu cùng một số bạn đồng môn ở Nha Trang.
Ước nguyện là vậy đó nhưng cuối cùng chẳng được đi đến đâu vì nội tái phát bệnh bao tử phải đưa trở lại Đồng Nai.
Ở quê nhà một thời gian qua ngắn ngủi nhưng con cũng cảm nhận được tình bà con gắn bó keo sơn làm cho chúng con rất lưu luyến khi trở về lại Đồng Nai.
Ra về con mãi vấn vương
Đôi dòng gởi nhớ, gởi thương tạ từ.


                                Ngọc Ly

Trần Thị Ngọc Ly
Học lớp 12 A8; Trường THPT Sông Ray
Cháu nội NH Trần Lịch
Địa chỉ: Tổ 2, ấp 6, Xuân Tây, Cẩm Mỹ, Đồng Nai
Điện thoại : 0983386270 
anhoang_qt@yahoo.com.vn; 
doviethoai1@.g.mail.com

***

Bài gởi đến từ email: canh.3065@yahoo.com


No comments: