Friday, November 20, 2015

“NGHĨA TRŨNG ĐÀN” - MỘT DI SẢN ĐẠO LÝ CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ - Lê Ngọc Vũ

“NGHĨA TRŨNG ĐÀN” - MỘT DI SẢN ĐẠO LÝ
 CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ
                                                                                               
Lê Ngọc Vũ
Phòng VH&TT thị xã Quảng Trị

Nghĩa Trũng là tên gọi của một nghĩa trang được xây dựng vào năm 1872 (năm Tự Đức thứ 25). Đúng như tên gọi của nó, Nghĩa Trũng là nghĩa trang vì nghĩa để chôn cất những nắm xương lạc loài, là di chỉ từ những biến cố thiên nhiên, lịch sử và những thảm cảnh số phận con người. Nghĩa Trũng toạ lạc trên khu đất ruộng của làng Thạch Hãn, thuộc khu phố 8, Phường 3, thị xã Quảng Trị. Nghĩa Trũng được xây dựng trên khu đất có chiều dài 70m, chiều ngang 17m và chiều cao 1m so với mặt ruộng, đây là nơi yên nghỉ của hơn 1000 hài cốt vô danh. Bên cạnh khu đất để qui tang hài cốt, còn có các công trình khác, đó là Nghĩa Trũng Đàn - là nơi thờ cúng các vong linh cô hồn. Nghĩa Trũng Đàn bao gồm các hạng mục như: 2 chánh điện, 2 bàn tả hữu, bàn Hội đồng kết liền với Hương án chính ở phía trước. Trước mặt tiền là tấm Bình phong và có thành bao bọc xung quanh, chỉ chừa một lối ra vào ở chính diện, hai bên có 2 trụ lung cao vượt lên.


Cổng Tam quan Nghĩa Trũng Đàn

Vị sáng lập Nghĩa Trũng là ngài Hoàng Hữu Lợi, sinh ngày 24.12.1809 (Gia Long thứ 8), mất ngày 26.03.1876, tước Trung nghị đại phu Phó Đô ngự sử, tiền nhân đời 12 của Hoàng tộc, làng Bích Khê, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Nguyên hàng năm chứng kiến nhiều mộ phần vô chủ dọc sông Thạch Hãn bị lũ lụt xói lở rất thương tâm. Ngài cùng phu nhân phát nguyện mua khu đất này của Làng Thạch Hãn làm nơi quy táng.

Con trai ngài Nguyễn Hữu Lợi là Hiệp Biện Đại học sĩ Hoàng Hữu Xứng, thời làm Tuần phủ Hà nội, nhận thấy nhiều di chỉ mộ hoang ở vùng quản hạt, hỏi kỳ lão, được biết đều là của nghĩa quân Tây sơn hồi chinh phạt quân Thanh. Thiết nghỉ, đến xương tàn của giặc còn được qui táng thành gò, huống đây là di hài của các chiến sĩ vì nước quên mình, nên Ông thu tập hơn 600 bộ hài cốt rồi thuê ghe bầu ngược vào Thuận Quảng, đưa về an táng ở Nghĩa Trũng này. Trước sau, Nghĩa trũng là nơi yên nghĩ của hơn nghìn vong linh vốn dĩ bơ vơ trong trời đất, hơn phân nửa là liệt sĩ vô danh của đoàn quân áo vải cờ đào.

Thời vua Nguyễn, Nghĩa Trũng được ban hưởng qui chế quốc gia do chính quyền tỉnh Quảng Trị đảm nhiệm, cấp ruộng tự điền, miễn sưu, phong hàm cho những người trực tiếp coi sóc. Các Tuần phủ sở tại như Lê Từ, Đào Thái Hanh hằng năm từng đến chủ tế. Con cháu họ Hoàng nối đời chăm lo việc hương khói.

Năm 1972, đúng 100 năm sau khi Nghĩa Trũng được xây dựng, cùng với thời gian, sự phong hoá của thiên nhiên, và đặc biệt là sự huỷ diệt của bom đạn Mỹ- Ngụỵ trong 81 ngày đêm tái chiếm Thành cổ Quảng Trị, các hạng mục công trình của Nghĩa Trũng gần như bị sụp đỗ hoàn toàn. Xuất phát từ nhận thức đúng đắn và kế thừa sự nghiệp của cha ông, con cháu họ Hoàng trong nước và Hải ngoại chung chung tay góp sức, cùng với sự đóng góp của nhân dân làng Thạch Hãn, Nghĩa Trũng được trùng tu qua nhiều đợt. Khi bài viết này đang được hình thành, thì được biết Ngân hàng Đầu tư- Phát triển Việt Nam đã nhận tài trợ tôn tạo lại Nghĩa Trũng, đang hoàn chỉnh quy hoạch, thiết kế chi tiết, phê duyệt đầu tư với số vốn ban đầu hơn 1 tỷ đồng.

Như vậy, Nghĩa Trũng chỉ là 1 nghĩa trang nhỏ về quy mô, nhưng nó không chỉ là một nghĩa trang bình thường để chôn cất những người đã khuất, với đạo lý của dân tộc Việt là: “Nghĩa tử là nghĩa tận”, mà nó mang trong mình 1 ý nghĩa tri ân sâu sắc đối với những người vì nghĩa nước mà quên thân mình - đó là những chiến sỹ của đoàn quân áo vải cờ đào Tây Sơn. Có người còn ví Nghĩa Trũng như là 1 nghĩa trang Quốc gia tại tỉnh Quảng Trị.

Quy hoạch Nghĩa Trũng


Với ý nghĩa đó, ngày 16/12/2010 UBND Tỉnh Quảng Trị đã có Quyết định số 2437/QĐ-UBND Về việc công nhận “Nghĩa Trũng Đàn” là Di tích lịch sử cấp tinh, thành phố.

Nhằm tôn tạo Nghĩa Trũng ngày một tương xứng với ý nghĩa nhân văn của di tích này, Ngân hàng CPTM Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và một số doanh nghiệp đang tài trợ đầu tư xây dựng nhà Bia tưởng niệm và Đàn Âm hồn tại khu tưởng niệm Nghĩa Trũng. Hiện Thị xã Quảng Trị đang tích cực vận động sự vào cuộc của các tổ chức trong và ngoài nước tiếp tục hổ trợ để đầu tư hoàn chỉnh khu di tích.

 Như vậy, với sự quan tâm bảo trợ của chính quyền các cấp ở địa phương, sự chung tay góp sức của bà con Hoàng tộc - Bích Khê - Triệu Long và sự quan tâm của xã hội, Nghĩa Trũng Đàn sẽ từng bước được tôn tạo trang nghiêm, bề thế và toàn diện hơn trong thời gian tới, xứng đáng với tầm vóc, ý nghĩa văn hóa của di tích này./.











   
 

No comments: