Saturday, July 18, 2015

Cuống Rún Chưa Lìa - Lan Phương

                Cuống Rún Chưa Lìa
                                               Lan Phương
Mẹ nói rằng, ngày sinh tôi, hoa lan nở thơm cả khu vườn nhỏ nên ba đặt tên là Lan Phương. Tôi không biết mình có làm nên điều kì diệu nào không khi được mang cái tên phảng phất mùi thơm dịu dàng như thế. Chỉ biết rằng bên dòng sông Vĩnh Định, nhánh lan đã bao mùa nhúng nước, vẫy vùng với bạn bè thỏa thích. Tuổi thơ gắn
với dòng sông ấy qua những chiều mây lững lờ soi bóng thật thanh bình, tôi cùng đám bạn đi dọc bờ sông hái lục bình, bẻ lấy những thân cuối làm kèn thổi. Màu tím bông bèo sao đẹp lạ lùng  nên mỗi lần thấy ai mặc màu áo ấy, tôi cứ nhìn ngẩn ngơ và ngày Tết trong lúc bạn bè, em út  chọn những bộ cánh màu hồng, màu vàng, màu thiên thanh… tôi lại đi tìm màu tím bông bèo dễ thương của tôi.
Ven sông có ngàn lau đong đưa theo gió, gió vờn đuổi làm lau lay động, khi ánh nắng chiếu vào, thân lau trắng xóa mềm mại lấp lánh như bạc. Tôi thương bờ lau ấy nên sau này khi mặc bộ áo dài trắng nữ sinh, tôi tưởng chừng như đang đi giữa màu tinh khiết một thuở nào và đến lúc đọc hai câu thơ của Quang Dũng: “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy. Có thấy hồn lau nẻo bến bờ” thì không đợi thầy giáo phân tích mà kí ức bừng dậy để cảm nhận ngay, thấy ngay những triền lau như có linh hồn phất phơ trong buổi chiều trên sông nước miền Tây Bắc. Gió không chỉ dừng lại ven sông vờn múa bờ lau mà còn thênh thang lồng lộng vào vườn sau. Gió cuồng nộ làm tả tơi bao tàu lá chuối trong những mùa bão lụt nhưng thật hiền hòa mang theo tiếng chim hót râm ran  hay hương thơm lúa nếp…đã bao lần ru tôi vào giấc ngủ, sách vở học bài rơi xuống bên cánh võng.
Ngày qua ngày tuổi thơ cứ thế đi qua để lại biết bao kí ức ngọt ngào. Nào là đi học có được chiếc xe đạp mà cũng quên luôn, đi bộ về nhà ríu rít cùng mấy đứa bạn một cách ngon lành. Mãi đến lúc ngồi ăn, mẹ hỏi: “Xe mô?” mới sực nhớ, thả ngay chén cơm xuống, ba chân bốn cẳng chạy một mạch về trường, tim đập nhanh nghĩ phen này sẽ bị ăn đòn vì mất số tiền dành dụm bao mùa bán lá chuối của mẹ. Cũng may, bác bảo vệ cất giùm nên phơi phới đạp nhoay nhoáy, toe toét cười từ trường về nhà. Không thể nào quên những  buổi kéo bạn về rồi phân công đứa hái rau răm rau thơm, đứa hái dái mít, đứa thọoc đu đủ để làm gỏi - một món ăn được coi là đặc sản của tuổi học sinh nơi miền quê mà hễ nhắc đến thì ai là người Quảng Trị cũng rệu rạo:“ Ước chi chừ có mà ăn bây hi!”. Lại nhớ vô cùng lên lớp 7, lớp 8  rồi mà vẫn ở trần như nhộng đứng bên giếng tắm, thấy bạn đi qua còn ơi ới: “Vô tắm cho bui bây!”. Chao ơi sao không biết dị là gì, bây giờ nhớ lại thì cười ơi là cười vì không thể nào chịu nổi cái “ngố” của mình và nụ cười như xâu chuỗi với những ngày ngồi tán phét trong sân trường giải những câu đố về thời tiết:
- Ê, vùng mô lạnh nhất?
- Bắc cực!
-Trật lất. Quê tau lạnh nhất nì: Triệu Đông. Ha ha ha
- Chừ ta hỏi nghiêm túc: Nơi mô nóng nhất thế giới?
- Xích đạo! À không, sa mạc Sahara
- Trật luôn! Xã tau nì: Triệu Độ. Hi hi hi     
          Đến lớp 9, có thể nói đây là bước ngoặt đầu tiên của đời tôi khi xa nhà  vào Đà Nẵng tiếp tục con đường học tập. Những ngày đầu ngỡ ngàng và choáng ngợp trước khung cảnh phố xá tấp nập, đèn điện sáng trưng mọi nẻo đường chứ không như quê mình bóng tối bao quanh mỗi khi chiều xuống. Không còn lũy tre làng, không còn cơn gió xào xạc qua tàu lá chuối, không còn tiếng ếch nhái râm ran ngoài đồng ruộng mênh mông bát ngát…mà thay vào đó là bờ cát trắng cùng sóng biển rì rào, là những tòa cao ốc vươn lên trời xanh, là Ngũ Hành năm ngọn…
Dù Đà Nẵng có gì gì đi nữa thì cũng không làm tôi nguôi ngoai một niềm nhớ nhung. Tôi thẩn thờ trong sân trường mới, tôi bâng khuâng nhớ bè lục bình trôi, tôi thèm hương dái mít trộn muối ớt rau thơm gói trong lá chuối chần dưới tấm phản cùng bạn bè đưa tay bốc ăn…Nhưng tôi may mắn tìm được Quảng Trị thân thương trên kệ sách cô tôi và cảm nhận một mối tình êm đềm, gần gũi đâu đây. Tôi đọc “Tình Quê”, “Hương Quê Nhà”, “Nguyễn Hoàng- chân dung và kỷ niệm”… để đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Ô! Cả một trời Quảng Trị trong đó! Và sao các cô, các bác nói đúng y tâm trạng tôi thế. Không như Chế Lan Viên đợi đến khi ra đi “ đất mới hóa tâm hồn”, mà những tháng ngày trên quê hương nghèo khổ vẫn lấp lánh ngọc ngà. Tôi tự hỏi: cái gì? cái gì thế, Quảng Trị ơi! Cái gì mà quê nhà vẫn mãi là nơi neo đậu giữa biển đời? là bóng mát che chở mỗi tâm hồn sa mạc cằn khô?
Mỗi trang thơ, trang văn tôi đọc có một cách lý giải riêng. Này đây là  âm điệu giọng nói quê miềng. Này đây là tiếng vỗ mạn thuyền trên giòng Ô Lâu,  Hiếu giang, Thạch Hãn níu kéo hay sóng Cửa Tùng, Mỹ Thủy ầm ào trong giấc chiêm bao. Hay đó là tiếng chuông chùa thong thả ngân vang, là âm thanh đồng lúa vàng reo, tiếng trâu về trên nương chiều. Hoặc là món chắt chắt, món nem lụi, món cháo vạc chờng… làm tê đầu lưỡi.
Câu hỏi ấy chưa tìm ra lời giải đáp thì tôi bị cuốn vào việc đèn sách. Vì là học trò nông thôn ra thành thị tôi luôn sợ thua, sợ xấu hổ, sợ bị chê là thứ nhà quê, thứ trèo đèo… nên học đêm học ngày để rồi được thi đậu vào ngôi trường danh giá nhất nhì thành phố Đà Nẵng. Bây giờ tôi còn đi xa nữa để trở thành tân binh của Đại học KonTum. Trong tâm tư dường như có tiếng réo gọi để đến với bạt ngàn hoang dã của cao nguyên lộng gió. Tôi mỉm cười tự nhủ: Hay mình là nhánh lan rừng phải về với cội nguồn của nó? Tôi nhớ có lần nói : “ Ý ba muốn nói con là hương thơm của hoa lan, nhưng “ phương” theo con hiểu không chỉ là thơm mà còn là phương trời nữa đó, con là phương trời hoa lan… hì hì”. Ba tôi chỉ cốc đầu phán: “ Tổ cha mi, trớng mà đòi khun hơn vịt”    
Tôi sẽ sống quãng đời sinh viên ở phố núi này. Điều này cũng khá thú vị để thấy đó là cái duyên giữa tôi với mảnh đất này chăng? Vì hồi còn bé tôi đã cùng ba mẹ đến sống nơi đây một thời gian nên bây giờ có thể xem như sự trở về nơi mình từng đến. Những ngày đầu là nỗi nhớ nhà, nhớ bạn bè, thầy cô, nhớ quê, nhớ thành phố biển, nhớ những chiều lang thang bên bờ cát trắng, nhớ phút thả mình trên mặt sóng dập dềnh…
Những lúc nỗi nhớ giăng kín tâm hồn tôi thường tìm đọc những bài văn, bài thơ về Quảng Trị để cảm nhận rằng cuống rún chưa bao giờ lìa xa đất mẹ. Hơn bao giờ hết, nó làm tôi xích lại thật gần với ruộng đồng, với dòng sông, với mâm cơm gạo mới đầu mùa…Và có lẽ  những người sáng tác nên những điệu ru văn chương mà tôi được đọc cũng chẳng bao giờ thấy khoảng cách về không gian vì trong họ mãi mãi tồn tại mảnh đất chôn nhau cắt rốn để dệt nên những cung bậc đầy xao động. Trên trang sách tôi nghĩ ấn tượng nhất là nghe âm hưởng giọng nói quê mình. Cũng như Lưu Quang Vũ ca ngợi: “Tiếng Việt ơi! Tiếng Việt ân tình…” thì khi sống trong kí túc xá với rất nhiều âm sắc giọng nói của Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi…tôi và nhóm bạn đã nhận ra là đồng hương qua những từ “ mô, tê, răng rứa…” Chúng tôi chuyền nhau bài thơ mộc mạc như lúa, như khoai. Làm sao không thương, làm sao không vui khi đọc những vần thơ như thế này để thấy quê hương Quảng Trị chân chất mà lúc nào cũng nồng nàn, rát bỏng trong tôi:
Quê tui giọng nói khó nghe
Đau đầu, trôốc dức mần răng con hè?
Chị em ba, gọi là o
Chị miềng kêu ả, anh thì kêu eng
Để dành thì nói để đèng
Chổi rành thì nói chủi rèng xuốc cươi
Nón rách là cái nón cời
Áo rách là toạc tơi bời te tua
Dây bền thì nói chạc đai
Đi làm kêu chắc bây ơi đi mần
Bùn đất bám bẩn tay chân
Eng ơi chưn cẳng toàn thân dớp rồi
Yêu nhau ưng chắc nhận lời
Cấy dôông có nghĩa là đi lấy chồng
Cái giường thì nói cái chờng
Vui mừng bui bẻ là mờng cho dau
Giọng quê mộc mạc đậm sâu
Từ trong tâm khảm nâng niu suốt đời
Tình quê thắm đượm đầy vơi
Giọng quê tha thiết như lời mẹ ru

                                                   Lan Phương - KonTum 1/12/2014

No comments: