Saturday, July 18, 2015

Đọc sách: Phan Phụng Thạch – Di Cảo & Ký Ức - Người Sông Thạch

Đọc sách: Phan Phụng Thạch – Di Cảo & Ký Ức
                                             Người Sông Thạch
Những người yêu mến thơ Phan Phụng Thạch một thời được cầm trên tay tác phẩm mới của Nxb HNV- Chi nhánh Miền Trung & Tây Nguyên ra mắt đầu năm 2015. Đó là tập Phan Phụng Thạch- Di Cảo & Ký ức ,dày gần 200 trang, giấy fort, tranh bìa của họa sĩ Đinh Cường, mặt sau là thư pháp của Minh Đạo.
Phần I-Di Cảo Thơ ; gồm Lưu Bút Mùa Hạ ( LBMH ) ( Nxb Hạnh Nhơn ) và Thơ Tình Của Tuổi Ba Mươi (TTCTBM) ( bản thảo chép tay ).
Phần II- Ký ức của bạn thơ ,gia đình ,học sinh về thầy giáo- nhà thơ PPT.
Vào tháng 5-1973 ,Lưu Bút Mùa Hạ được xuất bản ở Đà Nẵng ,lúc tác giả đang ở trại tạm cư, căn bệnh nan y tái phát,là cố gắng phi thường đáng khâm phục ! Ở mặt trong bìa có hình nhà thơ và giới thiệu sơ lược tiếu sử cùng hai tác phẩm chưa in : Mơ Hồ Sương Khói và Những Bài Thơ Tình Của Tuổi Ba Mươi . Như thế cõ lẽ do chiến tranh ,di chuyển ,thời gian trên 40 năm nên bản thảo Mơ Hồ Sương Khói bị thất lạc chăng ?
Bây giờ đọc lại tập LBMH chúng ta không tránh khỏi xúc động từ những câu thơ đầy tâm huyết,sự lo lắng ,bồn chồn của người thầy dõi theo từng bước chân các em giữa quê hương đầy bão tố ,bom đạn . Bên cạnh âm hưởng buồn thương là những hình ảnh ‘’ mù sương “, “ sương khói “ mênh mông “ “ bão tố “ “ biển động “ “ sóng cả “ “ khói lửa “ ‘ ngùn ngụt “ “ âm u “ “ nấm mồ “ gợi nên ấn tượng hoang liêu ,cô đơn rợn ngợp ,lúc thì cảm giác lo sợ ,bất trắc về tương lai .Có những bài thơ rất nhiều dấu hỏi ? dấu ! đầy thảng thốt bàng hoàng :
-‘’Trời ngày mai nắng vàng hay bão tố ? “- “ Các em còn về với tuổi thơ hồng ?/ Hay cuộc chiến đưa các em đi mãi ? Và trường đời sẽ lắm núi nhiều sông ! ( Lưu bút mùa hạ )“Một ngày kia quê hương ngừng tiếng súng, Còn em nào trở lại tự muôn phương ?“(Năm tháng mù sương )
Giữa biết bao gian truân ,mù mịt từng câu thơ PPT lại mang đến cho học trò niềm tin về một quê nhà yêu dấu được phục sinh sau bao nhiêu đổ nát hoang tàn :
Rồi bên nhau các em tìm lẽ sống
Vun xới tin yêu trên đất của lòng
Cây sẽ xanh và đâm chồi hy vọng
Các em cùng ta làm lớn quê hương “ ( Sau cơn bão hạ )
Trong bài viết của mình ,các nhà thơ Võ Quê, Hồ Sĩ Bình, NguyễnĐứcTùng ,Nguyễn Đặng Mừng, Huy Uyên.. đã chân thành kể lại sự cuốn hút của thơ PPT và khả năng thôi thúc réo gọi thế hệ học trò QT đến với thơ ,yêu thơ ,làm thơ .
Tập thơ TTCTBM gồm những bài thơ hay đã được chọn đăng trên các tạp chí Văn , Bách Khoa, Nghệ Thuật ở Sài Gòn từ năm 1964 đến 1973. Từ không gian trường học ,tình thầy trò của LBMH , đến đây TTCTBM đã mở rộng biên độ không gian ,thời gian ,tình yêu để gặp cuộc đời với niềm khát khao giao cảm, sẻ chia gần gũi hơn.Cách xưng hô có tính riêng tư : ta,tôi-em thay vì thầy –các em .Cảm hứng về tình yêu đôi lứa là chủ đạo có 7 bài ,từ “ tình ái tuổi thơ “ buổi đầu đời cho đến “ Em bây giờ cũng như sương khói,không nhớ sao lòng anh hắt hiu “, hôm nào đó “ Ta bây giờ hoá thân thành dáng tượng ,và buồn thương cũng hóa đá trong hồn “. Bài thơ Chúc thư cho người tình là lời trăn trối đầy thương cảm xúc động, khiến tê buốt ,quặn thắt cả trái tim người đọc :
- “Em có về với buồn rưng mắt khóc ,Nếu một ngày ta chết giữa mòn hao ?
Em có về vuốt giùm ta đôi mắt ( Hỡi bàn tay yêu dấu thuở hiền ngoan).
Em sẽ thấy còn nguyên trên khuôn mặt, Những ưu phiền và giọt lệ chưa tan “
Cảm hứng về quê hương có 6 bài đều thắm đượm nỗi buồn đau uất nghẹn “ Quê hương đó những chiếc cầu đã gãy ,Còn mong chi nỗi lại những con đường !” ( Bàng bạc tình quê ).Sau hơn 40 năm ,đọc lại bài thơ trên,anh ĐôngTrình người bạn thơ của PPT đã không khỏi ngạc nhiên trước những câu thơ rất lạ : “ Thôi nhé ! Chờ xong một chiến trường “Không ai viết như thế “ chờ xong một chiến trường “Nhưng để diễn tả niềm nhớ nhung trong tâm tưởng , ý thơ trở nên bất ngờ đắc địa. Hay câu “Giữa những hoang tàn ta sẽ nhủ /Dù sao còn cỏ mọc rất xanh “ Quê hương tan nát hết nhưng phải trở về vì cỏ mọc rất xanh , Cỏ non Thành cổ ,nhưng cỏ đây là biểu tượng của niềm hy vọng . Phải yêu quê hương đến thế nào mới viết như thế.
Mấy bài thơ viết về rượu (3 bài), PPT viết rất hay ‘ “ Tri âm ! Này ,hãy uống cho say ? Lỡ mai có chết không ân hận ! Vì đã ngồi chung một chiếu này “ .Câu thơ cuối là một tiên cảm về cái chết ,hình ảnh ấy xuất hiện thấp thoáng trong thơ anh. Nhưng hai câu này mới là tài hoa : -“Đã biết đời người cơn gió thoảng / Thì mau , kẻo rượu sẽ bay hơi “ Mình đọc thơ về rượu cũng nhiều nhưng đụng đến 2 câu này là giật mình ! ..Gấp gáp ,vội vã đầy sức tiên cảm ,ám ảnh giữa cái mất-còn , chết – sống.” ( Những tình cảm ban đầu là chân thật- Đông Trình )
Nhiều người đọc thơ PPT đều có chung nhận định là :“ những câu thơ viết tự nhiên nhưng không dễ dãi nên vẫn neo đậu ,xốn xang trong lòng người đọc khi chạm tới tâm trạng của người thầy - người ở lại bên dòng sông hoang vắng ,hóa thân thành dáng tượng ,buồn thương cũng hóa đá trong hồn ngồi đối diện với bóng mình giữa mênh mông sương khói (Hồ Sĩ Bình ), “ Thơ PPT ,về kỹ thuật rất chuẩn mực.Anh viết đễ dàng ,không vẽ vời….anh khiêm cung chọn một đường cày .đủ chỗ cho cây bút đặt xuống “..những đường cày của thơ rất nhẹ nhàng ,mà đến bây giờ đãhơn 40 năm sau ngày anh mất ,những câu thơ không ngừng mach bảo với chúng ta một thời nhiễu nhương của lịch sử… “( Đông Trình )
KÝ ỨC về thầy giáo – nhà thơ PPT là những dòng hồi ký chân thành, sống thực và xúc động của ,thân quyến , bằng hữu, học trò về con người ở cõi vĩnh hằng. Người em trai,Phan Ngọc Bích đã cho biết nhiều điều về anh mình ,giữa những bè bạn văn chương,những bóng hồng thoáng qua thơ anh,cho đến lúc anh hấp hối ,từ giã cuộc đời Chính Bích đã nâng niu gìn giữ từng bản thảo ,bút tích văn thơ của anh PPT và bạn bè cho đến hôm nay công bố .Người bạn thơ Đông Trình ở Đà Nẵng còn nhớ rõ từ vóc dáng đến tính cách : “ Anh PPT là người rất mỏng manh , bao dung , một con người lễ phép ,chẳng biết lừa dối ai.Anh như chiếc lá ,đậu đó rơi đó rồi tan vào muôn hướng,không biết đi đâu về đâu “ Đồng nghiệp Trần Kiêm Đoàn đã viết về PPT rất thân thương rằng ngày anh về dạy NH ,đọc bài thơ Tiễn người về Huế của PPT và chàng bỗng khám phá ra nhân vật nữ trong mối tình đơn phương ấy! Với các học trò thời đó như Võ Quê với cái đêm tâm sự ,không ngủ của hai thầy trò ở Tổng hội SV Huế - Với Phạm Đình Quát , Hồ Sĩ Bình thì dáng thầy đứng trên hành lang NH đăm chiêu nhìn về quê nhà trong khói lửa chiến tranh khó phai mờ ! Nguyễn Đặng Mừng , Lê Thị Lan, Hoàng Văn Chẫm, Võ Thị Quỳnh, Nguyễn Thị Liên Hưng ,Nguyễn Thị Vĩnh Phước …mỗi người đều cất giữ những kỷ niệm vui buồn về người thầy – nhà thơ viết cho học trò thân yêu bao câu thơ đầy tâm huyết… Đặc biệt là cảm xúc bồi hồi của Nguyễn Đức Tùng khi nhớ lại buổỉ chiều tháng 3 năm 1972 ở phòng đọc sách- thư viện trường , vì mải mê đọc sách Thi Nhân Tiền Chiến quên cả tiếng trống tan trường ..Giọng nói nhỏ nhẹ và cử chỉ bao dung của thầy đã khắc đậm trong tâm hồn cậu học trò cho đến tận bây giờ : -“Thôi em cầm lấy,đem về đọc,khi nào xong trả cũng được “’
Bạn tri âm của anh PPT còn có nhà thơ Chu Vương Miện , các anh chị Hồ Ngọc Thanh, Đỗ Tư Nhơn , Cao Hữu Điền , Huy Uyên , Lê Đình Lộng Chương ,Nguyễn Khắc Phước, Lê Thị Ba .. đều đã gởi tâm tình qua những câu thơ, bài viết thấm đẫm tình người.
Đó là những bó hoa tưởng nhớ thơm mãi trong tâm hồn vượt lên thời gian ,tỏa hương khắp mười phương dâng tặng thi si tài hoa bạc mệnh.- thầy giáo kính mến !
“ Tập sách Phan Phụng Thạch.- Di cảo & Ký Ức là một nén tâm hương trước vong linh của Thầy mà những người thực hiện và quý thầy cô và cựu học sinh Nguyễn Hoàng ước nguyện. “(Lời cuối sách- Nhóm thực hiện )
NGƯỜI SÔNG THẠCH.


No comments: