Saturday, July 18, 2015

Ký Ức Về Quê Hương - Phần 1 - Chế Cẩm Đình

Ký Ức Về Quê Hương
                                  Bài của Chế Cẩm Đình

Kỳ 1

         Việt Thành, một người con Quảng Trị, đang ngự chốn Sài thành đô hội, vẫn đau đáu niềm nhớ quê hương bằng cái dự định lớn lao là xuất bản một cuốn sách về đất mình, thật khâm phục em. Nhìn lại, mới đó cũng đã gần 9 năm xa xứ tha phương cầu thực. Đưa con trai đầu lòng ra đi lúc con mới 8 tháng, rồi sinh con gái thứ

hai nay 7 tuổi. Thiệt lạ, con hai đứa, sinh trưởng ngoài xứ, vẫn đặc sệt cái giọng Quảng Trị nơi lỗ miệng, từ phương ngữ đến âm điệu, như chính mình. Là, yêu quê hương quá, nên sớm gửi vào trong con cái tình yêu thiêng liêng ấy, phải không? 

          Hồi tưởng lại những gì đã đọc, đã đi, đã thấy và đưa ra cảm nhận riêng của mình về nơi chôn rau cắt rốn. Tuổi thơ cho đến hết trung học cơ sở, chỉ loanh quanh luẩn quẩn Đông Hà, Quảng Trị. Lâu lâu mới được đi xa đến Cửa Tùng, Cồn Tiên, Cam Lộ. Mà chỉ đến đó, hoặc chơi, hoặc thăm thú bà con, chứ chưa có cảm nhận gì về đất, về người mỗi nơi.Khoảng thời gian năm 92 - 93 và sau này cuối 95 đến nữa đầu 96, có dịp đi lại nhiều, hầu hết các nơi trong tỉnh, mà cũng không khác lúc nhỏ, chỉ đi rồi về chứ không chủ đích lưu lại gì nhiều về từng nơi đã đến trong trí nhớ. Chừ mà có điều kiện lủi lại thì sẽ nhìn nhận ra nhiều cái mà viết mà nói. Tạm cóp nhặt những ký ức nhỏ nhoi còn sót lại cùng với những gì đã đọc về quê hương để viết ra dưới đây.

Đoái từ Nam, Hải Lăng nằm trong cùng tỏ một vẻ rất riêng. Về văn hóa, về con người đều rất thâm sâu. Người ở đây giỏi các nghề nông gia lẫn buôn bán. Về phương diện âm ngữ nói ra tương tự người vùng Thừa Thiên từ Bắc Huế trở ra. Nhất là những người làm nghề buôn bán thì giống sệt ở đuôi “n” thành “ng”, có hơi khang khác chút ít chỗ ngữ điệu. Đầu đất là Mỹ (Hải) Chánh bên dòng Ô Lâu nước trong văn vắt, đẫm trong mình mấy trăm năm các lớp trầm tích văn hóa từ kể khi Huyền Trân Công Chúa trẩy Chiêm bồi giang san. Thị trấn huyện lị Diên Sanh gối đầu lên trảng cát đạp chân xuống đồng Hải Thọ, Hải Quế mênh mông nước mùa mưa. Gạo đồng này ngon không đâu bằng. Cơm nấu ra dẻo hạt, vị ngọt lại thơm mùi lúa làm đòng, thúc ăn thủng đáy nồi không thấy khẳm bụng. Cứ đến mùa gặt là xe tải của mấy người buôn xáo thuê vô chở đi Sài Gòn, Hà Nội bán đắt, mua lại gạo rẻ ngoài đó chở về. Ở Đà Nẵng giờ vẫn có mấy quán cơm người Huế gởi xe đò mua gạo chỗ ngã ba Diên Sanh chở vào từng bao, nấu gạo ngon cho được khách. Ai đến đất cổ Diên Sanh, ghé vào đình Hải Lăng ngó cái, mấy cột đình to cả người ôm không xuể, thì biết nơi đây từng thịnh lắm. Lùi ngược lên trên chun chút là Nhà thờ Diên Sanh, lui thêm chặng nữa có chùa Diên Bình, cho thấy tín ngưỡng thờ tổ tiên với các tôn giáo chung sống trong yên bình của người kẻ Diên. Chợ Diên ngày trước ngự ở ngã ba, nay được xây mới dưới một chặng, luôn tấp nập kẻ bán người mua. Hải Lăng có nhiều thắng địa như có tiếng như trằm Trà Lộc ở Hải Xuân là một khu sinh thái xanh giữa đồng bằng, nơi loài cây đước tưởng như chỉ có ở phương Nam xa xôi kết thành mảng rừng xanh ngăn ngắt, có chim chóc, có chồn, khỉ trú ngụ. Biển Mỹ Thủy bên dưới Hải An ngày càng đông những đoàn người đến tắm, đến chơi biển vào mùa hè, thưởng thức hải sản tươi sống được đánh bắt trong ngày, đặc thù của vùng biển bãi ngang. Nổi tiếng hơn cả là thánh địa La Vang, nơi được cho là Đức Mẹ đã hiện hình cứu giúp đoàn con Thiên Chúa chạy loạn vì bị truy đạo thời Tây Sơn. Hằng năm vào giữa tháng tám là có Kiệu Đức Mẹ, thêm mỗi 3 năm là Kiệu lớn, thu hút hàng chục ngàn tín đồ Công giáo khắp thế giới hành hương về. Nơi đây có quần thể tượng mô tả các tích cổ trong đạo của điêu khắc gia Lê Ngọc Huệ với giá trị nghệ thuật rất cao. Đất đầu Nam còn có rất nhiều làng cổ như Trà Trì, Câu Hoan, Đơn Quế được lập từ thế kỷ 16. Ai về Phương Lang, ai về Kim Long hôm nay vẫn thấy còn đó hương vị chợ quê ẩn sâu hàng trăm năm trong lòng vùng lúa nước. Chợ quầy quả họp từ tảng sáng đến độ mười giờ tan ráo, chỉ còn vài ba mẹt hàng của các cụ già bán mớ rau củ vườn nhà, gắng gỏi thêm ít đồng mua kẹo cho mấy đứa cháu, ngay dưới tán cây vong đồng choàm lên cả chợ.

Kề Hải Lăng về hướng Bắc là thị xã Quảng Trị nhỏ bé với 5 phường xã được Hải Lăng và Triệu Phong góp thêm đất vào. Vậy mà, bốn mươi năm trước đó đã oằn mình trong chiến trận tàn khốc nhất, để đến hôm nay, cứ đào hố móng làm nhà mới, thì hay gặp hài cốt của những người con các miền từng về tham chiến. Trong lòng thị xã có thành cổ trước mang tên thành Đinh Công Tráng, một lãnh tụ khởi nghĩa Ba Đình ngoài xứ Thanh. Được xây từ thời Gia Long với hệ thống thành lũy kiên cố nhằm bảo vệ từ xa kinh thành Huế về hướng Bắc. Nơi đây từng là tỉnh lị củ của tỉnh Quảng Trị dưới chính quyền miền Nam. Cũng phố xá, cũng nhà lầu, chùa chiền, chợ tỉnh một thời sầm uất. Lớp người trước, ai mà không biết trường Nguyễn Hoàng, với niềm tự hào rất lớn nếu từng học ở đó, học trò của trường từ Hải Lăng ra, từ Đông Hà (khi đó là chi khu) vào, bên Triệu Phong qua. Đi trên đường Trần Hưng Đạo từ ngoài đường Lê Duẩn vào một chặng bên tay trái, xác trường nay còn đó với chi chít những lỗ bom lỗ đạn trên tường, chứng tích của 81 ngày đêm chiến sự vào mùa hè đỏ lửa 1972. Sau này, trường PTTH Quảng Trị, kế thừa truyền thống ấy, được tiếng trường hay, thâu hút nhiều học sinh vùng dưới lên, mạn Ái Thượng qua, trên Trấm về. Những người Quảng Trị xưa dường như đi hết trong chiến tranh, sau có ít người lui về đất củ. Giải phóng, Quảng Trị sáp nhập và mang tên thị trấn Triệu Phong, huyện lỵ của huyện cùng tên. Đến năm 1981, huyện Triệu Phong sáp nhập tiếp với Hải Lăng thàng huyện Triệu Hải, Quảng Trị vẫn là trung tâm huyện lỵ của huyện mới và bắt đầu nên hình nên dạng trở lại dù không bằng xưa. Cư dân chủ yếu từ các xã thuộc Triệu Phong và Hải Lăng lên sinh sống, theo sau những cán bộ, những chủ nhiệm hợp tác được thăng chức lên huyện. Rồi dân các nơi tụ về buôn bán ở chợ, chủ yếu nông sản, huyện lị đông dần lên. Cũng do nguồn cơn tái sinh như vậy, mà nay thị xã vẫn mang trong mình cái chân chất bình dị từ nông thôn, chứ không xô bồ như những thị xã khác. Những cái tên Góc Bầu, Trí Bưu, Cầu Ga, Cầu Trắng gợi gì cho những người xa xứ từ mảnh đất này?

Cam Lộ, nơi giao thoa nhiều nhất về văn hóa miền xuôi miền ngược từ thủa lập đất. Sông Cam Lộ (Hiếu giang) bắt nguồn từ Đầu Mầu xuôi đến ngã ba Dã Độ (Gia Độ) mang trong mình các lớp áo trầm tích văn hóa vừa nông vừa thương. Những xóm Hạ, xóm Thượng (thuộc Cam Thanh) sát bên sông với các bờ tre chống lở đất ngâm chân dưới nước. Những Cam Thủy, Cam Tuyền còn đó những ngôi nhà gỗ ba hai, ba bảy hơn trăm năm, điển hình cho nhà cổ Quảng Trị. Nhà quay mặt hướng Nam đón gió “Lào” cho mát vào mùa hè, tránh bấc mùa đông, mái nhà thấp để hạn chế ảnh hưởng của bão. Những hàng cột nhất, cột nhì gối trên gối đá chống lún và chống nước ăn chân mùa lụt. Nhà thường làm từ gỗ mít (nài) hoặc thượng chua hạ mít, khác với nhà cổ vùng Lệ Thủy thường làm bằng sến, táu. Nhà giàu thì làm khổ nhà lớn hơn, thường gọi nhà bốn hai, còn gọi là nhà đại phú. Vùng Cùa trên đó có hạt tiêu cay xè, từ xưa gọi là tiêu Cam Lộ, nức tiếng khắp nơi. Cũng còn đó dấu tích thành Tân Sở, nơi Vua Hàm Nghi chạy loạn sau thất thủ kinh đô. Bên sông Cam Lộ chợ Phiên tháng họp sáu lần, mùng ba, mùng tám, mười ba, mười tám và hăm ba, hăm tám tháng âm. Vẫn góc chợ xưa, nón Huế đưa ra, trứng vịt Quảng Bình đưa vào, nhưng khác một điều là không có voi để đổi bạc trắng, đổi súng và không còn những phiên chợ có đến 300 con trâu… như nhà bác học Lê Quý Đôn từng chứng kiến. Khách từ trên Cùa xuống, người mạn Tân Lâm, Tân Định, Ba Thung về, lại bên Cồn Tiên, Cam Vũ băng qua, kẻ từ Cam Hiếu, Cam Thành lại, chợ phiên Cam Lộ vẫn nhộn nhịp, tấp nập người bán kẻ mua những sản vật trong vùng, hơn là một chợ dân sinh. Ai còn nhớ cầu Đuồi củ bắc bằng dầm thép, mặt cầu lót gỗ đạp xe qua lộc cộc trên từng miếng ván? Ai còn nhớ hai hàng xà cừ mát rượi kéo dài từ QL9 vào tận chợ chừng hơn cây số, nay bị đốn hạ để làm đường mất rồi!

Gio Linh vùng hạ, khoảnh đất lọt giữa hai cửa biển, với nhiều địa danh Nhĩ Thượng, Nhĩ Hạ, Cát Sơn, Lâm Xuân đọc lên nghe lặng cả hồn những người con xa xứ. Nơi mỗi làng quê có xóm, có đình, lại có nhiều nhà thờ họ để con cháu tỏ lòng nhớ tiên tổ năm xưa. Điển hình nhất là làng Mai Xá, nay vẫn còn cây đa, bến nước, sân đình là những đặc trưng của một làng quê Việt Nam. Nơi đây còn có đầm Hà Côộc với một khoảng rừng ngập mặn nguyên sinh, có chim bay rợp trời khi chiều buông. Dọc theo sông Hiếu, bên này và bên kia ngã ba Gia (Dã) Độ, dân có nghề cào chắt chắt. Chắt chắt mà nấu canh rau muống thái nhỏ, thêm ớt tươi với gừng giã cùng muối sống lúc ăn, thì đừng hỏi! Trước năm 1995, muốn về Cửa Việt bằng đường bộ phải ra đến ngã ba Gio Linh rẽ xuống, qua Gio Mỹ, Gio Thành xuống Gio Việt. Sau đó đường Xuyên Á (QL9 nối dài) được đắp từ Sòng về tận cửa biển giúp cho vùng này phát triển rất nhanh. Nhớ lúc đường mới làm xong, người lớn lẫn trẻ con thi nhau tập xe đạp trúc lên trúc xuống, rồi xe máy chạy vù vù quên cái mỏi của những bắp chân to đùng vì lội cát. Trên trảng đất nóng như rang lửa ngày xưa giờ là thị trấn Cửa Việt đông đúc chỉ còn cách Đông Hà hơn 10 km đường bộ theo đường mới này. Ngày hè, người Đông Hà, Cam Lộ, người Gio Linh tấp nập về tắm trên bãi biển trắng tinh cát. Tắm xong lên ăn ghẹ ăn cháo cá ngon không tả được. Lại còn thưởng thức văn nghệ với những cu em nhỏ bán hàng rong, hát những bài hát tình yêu kèm thêm điệu nhún nhảy hồn nhiên nhại phong cách “bé Châu” để kiếm thêm khách mua hàng.
           
Thượng Gio Linh đất đỏ bazan từ trên Cồn Tiên, Nam Đông chuồi xuống đến Hà Thanh, Dốc Miếu. Nay còn đó những giếng nước cổ ở vùng Gio An, Gio Bình, còn gọi là giếng mội, dấu tích cộng đồng Chăm từng hiện diện ở đất này. Đất đỏ trồng cây công nghiệp dài ngày giúp cho dân nơi đây khấm khá hơn các vùng nông nghiệp khác trong tỉnh. Nhưng cũng đất này, chuyện cuốc phải bom mìn không ít, bởi ngày xưa đây chính là vùng hàng rào điện tử Mcnamara băng qua, nên tang thương vẫn còn khi chiến tranh đã lùi xa. Những gia đình sống trên các nông trường mới, di cư từ dưới Triệu Hải lên sau giải phóng. Cũng có nhiều người tập kết ra các nông trường ngoài Nghệ An trong chiến tranh nay quay về đây đem theo tiếng nói phổ thông chứ không dùng phương ngữ như các vùng khác. Mà dưới một chút, thiệt lạ, cái đất Gio Châu người ta thốt ra lời nghe thấy thích thú vô cùng: “đi chở tran, gặp con trâu, phan cấy đứng ngăt” (“đi chở tranh (cỏ tranh) gặp con trâu, phanh xe đứng ngắt” mà chữ ngắt phát âm “ngăt” không có dấu sắc lọt tai sướng chi lạ).

Giữa vùng hạ và vùng thượng Gio Linh có Ba Dốc, có chợ Cầu, đi vào câu hát ru:
           Ru em em théc cho muồi
           Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
           Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
           Mua cau chợ Sãi, mua trầu chợ Dinh…


No comments: