Saturday, July 18, 2015

Ký Ức Về Quê Hương - Phần 2 - Chế Cẩm Đình

Ký Ức Về Quê Hương
         Bài của Chế Cẩm Đình

Kỳ 2

Một huyện bị rứt ra trong hiệp định Genève, Vĩnh Linh, ngay bên dòng Bến Hải. Truông nhà Hồ năm xưa ghi dấu vua Quý Li vào phá thảo khấu Tam Giang, nay là thị trấn huyện lỵ Hồ Xá khá sầm uất. Đặc trưng của thị trấn này là những ngôi nhà hai tầng mái tháp đỏ, “mô đen” nhà một thời được ưa chuộng. Còn đó bệnh viện A
đầu tuyến lửa, còn đó Trường PTTH Vĩnh Linh là mái trường dưới miền Bắc XHCN từng dạy hệ 10 năm. Bên trên là cụm liên xã Lâm Sơn Thủy, xéo dưới một chút có Trung Nam Tú Thái đọc suôn vần như thể các xã ấy là một. Cũng trong vùng này, người các thôn thuộc hai xã Vĩnh Tú và Vĩnh Thái nói riêng một giọng so với các xã còn lại của Vĩnh Linh. Ai mà nghe đúng cái giọng ấy, kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng, với âm điệu đi theo tiết tấu câu chuyện thì cười “đứt rọt” như chơi. Chầu chiến tranh có o nớ mược áo trắng đi dởi về qua cánh đồng. Gặp máy bay bổ tới, khôông có lộ mô trốn nên mọi người hét “cổi áo ra không hắn chộ hắn quăng bom chết cả lủ”. O nớ nghe rứa sợ quá cổi ra liền chứ chờ dị thì ngủm củ tỏi, cổi ra xong thì mọi người lại hét to “mược vô, mược vô khôông hắn quăng bom chết tươi, mau, mau!” Té ra o nớ có nác đa còn trắng hơn cả cấy áo o mược! Vĩnh Tú còn có bàu Thủy Ứ nhiều cá, có giống cá đô (đực tràu) bự chảng, dính câu là kéo cả thuyền câu chạy đuối mới chịu bắt. Bên kia bàu là Rú Lịnh nguyên sinh trên đất Vĩnh Hiền, Vĩnh Hòa. Còn đó những đại thụ với chim muông, thú vật phong phú. Địa đạo Vịnh Mốc cuối đất Vĩnh Thạch biểu hiện sức chịu đựng của con người trước bom đạn chiến tranh, ai từng đến thì không khỏi khâm phục tột cùng. Biển Cửa Tùng sóng vỗ trắng xóa, một thời là khu nghỉ mát được ưa thích, hằng năm đón rất nhiều đoàn đến an dưỡng. Những chiều mùa hè trời trong xanh nhìn ra thấy đảo Cồn Cỏ anh hùng tựa như một chiến hạm khổng lồ thách thức mọi kẻ thù xâm lược. Phía ngoài Hồ Xá là Vĩnh Chấp, giáp ranh với các xã thuộc huyện Lệ Thủy, Quảng Bình, nơi ngọn rau khoai bò qua hai tỉnh. Trên thượng nguồn sông Sa Lung có các xã Vĩnh Hà, Vĩnh Ô và Vĩnh Khê. Cũng như các xã vùng cao của hai huyện Cam Lộ và Gio Linh, bắt đầu tựa lưng vào dãy Trường Sơn. Chốn ấy, có bà con người Vân Kiều, Bru sinh sống. Mà thật giỏi, họ nói tiếng họ, lại nói thêm tiếng Kinh rất tốt. Và nay lớp trẻ được học hành đàng hoàng do các cô thầy dưới xuôi lên dạy, nên tiến bộ rất nhiều về văn hóa (chung) và đời sống kinh tế. Coi sách nhiều, và nghe chính họ phát âm, mới biết họ nói bằng ngôn ngữ của người Khơ Me bây giờ, cũng là ngôn ngữ của người Chăm xưa. Mới tự đặt câu hỏi, họ là ai? Chăm chạy loạn hay Khơ Me bị bức dọc theo rừng núi Trường Sơn mà ra?

Huyện miền cao Hướng Hóa, nơi tiêu biểu cho việc khai đất lập quê mới. Không khác gì thủa xưa khi mà lưu dân Thanh Nghệ theo Nguyễn Hoàng vào đất Quảng Trị bây giờ, đem theo tên làng tên xóm nơi chôn nhau cắt rốn để định danh cho mỗi vùng đất mới định cư. Tân Độ, Tân Thành, Tân Phước, Tân Long có người Triệu Phong trú ngụ, lại Lương Lễ cho người dưới hai xã (nay đã chuyển qua phường) thuộc Đông Hà, đến Tân Lập, Tân Liên, Tân Hợp gợi ra việc đất mới của những nhóm người khác quê dưới xuôi gộp lại.Tay trái đường 9 rẽ vào là 8 xã vùng Lìa từ ngã ba Tân Long men theo sông Sê Pôn chảy từ núi rừng Đakrong ra, bên Lào bên Việt, nơi mà bà con đồng bào dân tộc các bản hai bên qua lại như một nhà chứ không phân định Quốc tịch. Những Rào Quán, Tà Cơn, Làng Vây chiến địa đưa chúng ta hồi tưởng về các chiến dịch tàn khốc năm xưa. Khe Sanh nằm trong một thung lũng của dãy núi Trường Sơn, bây giờ là thị trấn huyện lỵ, khí hậu mát mẻ quanh năm. Nơi đây đồng bào các dân tộc chung sống với nhau an bình, cùng dựng xây quê hương đất nước. Các xã nhánh tây của huyện như Hướng Sơn, Hướng Linh, Hướng Phùng ngày nay rất phát triển kinh tế với cây cà phê và rừng trồng khai thác gỗ. Tây Trường Sơn từ cao điểm Làng Vây đổ về Lao Bảo xuôi qua cao nguyên Nam Lào có khí hậu trái ngược với Đông Trường Sơn, đúng như “bên nắng đốt bên mưa bay” trong câu thơ của Phạm Tiến Duật.

Lưng chừng QL9 là Krong Klang, thị trấn huyện lỵ huyện Đakrong nép ngay bên đường, chỗ ngày xưa gọi là “bốn mốt” (km 41). Xe đò trước khi leo đèo Rào Quán không khỏi dừng lại chỗ kiểm tra, đổ nước mui. Khi về thì khỏi tự giác cũng có tổ Kiểm soát liên ngành ngoắc lại kiểm tra. Thuốc lá Samit, Thạp Luông, mì chính Thái, dép Lào xổ tung tóe, người buôn lăn lộn khóc lóc, xin xỏ không ngớt khi xe “bị điểm”. Ngày nay, cũng phố xá, cũng chợ huyện tuy không đông bằng dưới xuôi nhưng đông đúc hơn xưa nhiều. Các dịp mùa màng trong năm, nào gùi, nào chóe nhấp nhô trên lưng theo từng bước đi của bà con đồng bào từ các bản làng ra chợ thật vui nhộn. Màu sẫm đen của trang phục với các đường diềm viền xanh đỏ vàng hết sức đặc trưng của người Tà Ôi, người Bru – Vân Kiều, chỉ còn những người lớn tuổi mặc. Tuổi trẻ bây giờ tóc xanh tóc vàng, áo pul quần ống chật, điện thoại di động như người thị thành. Không biết họ có còn đi Sim, còn giữ được hồn làng hồn bản thêm bao lâu nữa? Từ km 0 đường 14 ngay chân cầu treo Đakrong rẽ vào năm chục cây số, Tà Rụt bây giờ không còn xa xôi như lúc trước, đến độ trêu đùa nhau “ở Tà Rụt mới về à?” để ám chỉ ngưới nào đó chậm hiểu một vấn đề nêu ra. Nơi ấy, đã là một thị tứ đông đúc. Có trường học, có bưu điện, có bệnh viện đầy đủ, cũng tiện nghi lắm. Quên nói đến những đêm trăng sáng, đi xe từ Tà Rụt về, một bên suối, một bên sườn đồi tranh loang loáng, thật đẹp, thật hùng vĩ.

Đông Hà, tên một ngôi làng nhỏ bên bờ Nam sông Hiếu nằm chỗ cầu tàu (phường 3) bây giờ, đã trở thành tên của một thành phố tỉnh lỵ. Sau giải phóng, từ một chi khu trước đây được nâng cấp thành thị xã thay thế cho thị xã Quảng Trị đã điêu tàn trong chiến tranh. Rồi nhập tỉnh Bình Trị Thiên, đến 1981, Đông Hà kéo về mình cả huyện Cam Lộ, rộng vô cùng. Đội Vệ Sinh Phòng Dịch của thị xã Đông Hà năm nào cũng đi chống sốt rét với chống ghẻ cho bà con Vân Kiều chỗ Cam Tuyền, Cam Chính và Cam Nghĩa. Nhớ lại hơn hai chục năm trước, cái thời nhà máy đèn chỗ hồ Khe Mây đêm chạy đêm không, nhà khá giả thì trữ bình ắc quy thắp đèn đêm, mấy cụ hưu trí thì cứ pin Con Thỏ bốn cục cặp lại bằng hai thanh tre, quấn săm xe đạp để nghe radio phát thời sự. Nhà giàu có sắm tivi National hoặc tivi Liên Xô, đều là hình đen trắng kiểu như bây giờ chơi ảnh nghệ thuật. Tivi phải để ở phòng lớn nhất trong nhà, hôm trời nóng thì quay ra sân mới đủ chỗ cho cả xóm, chứ xem một mình thì nhà đó bị đặt vè liền, không ai chơi cái đồ nhà giàu. Cứ đúng 7 giờ bật lên xem được có mỗi đài Phát thanh truyền hình Bình Trị Thiên phát từ Huế, chương trình bắt đầu là Những bông hoa nhỏ, sau mới đến thời sự, cuối là chiếu phim hoặc cải lương, hết. Nhiều khi đang xem chương trình hay sóng nhiễu mè hết cả màn hình, thằng con nhà chủ chạy ra ngoài quay tới quay lui cái cột ăng ten trời, người trong nhà thấy rõ thì hô “được rồi”, lại xem tiếp trong tiếng xuýt xoa vừa mất đi đoạn hấp dẫn. Những gia đình cán bộ công nhân viên hoặc hưu trí thì có báo đọc, báo Nhân dân, báo Thiếu Niên Tiền Phong, báo Nhi Đồng. Thỉnh thoảng có tờ Họa báo Liên Xô giấy bóng khổ lớn, vừa đọc vừa xem hình đủ màu sướng cả mắt, đọc xong cất lại bao vở đầu năm học, rồi năm sau lật mặt trong ra cho mới để bao lại lần nữa. Vùng trung tâm thị xã lúc đó bụi đỏ mù mùa nắng và nhão nhoét mùa mưa. Có 3 con đường trải nhựa là QL1A ngang qua thị xã, cùng đường 9A, 9B. Đường Hùng Vương to rộng bây giờ, khi xưa là con đường đỏ nối từ lô cốt cũ vòng ra sau nhà Việt Thành đến đoạn bên hông trường Đảng (giờ là nhà VHTN) ẹo qua trước mặt Xí nghiệp 8 cũ rồi đổ dốc xuống đường 9B, chấm hết. Kiến trúc bên con đường này còn sót lại là trường tiểu học Hùng Vương bây giờ, hồi xưa gọi là trường 1B (phường 1) để phân biệt với trường 1A giờ là trường THCS Nguyễn Trãi. Quanh cái lô cốt là xác mấy chiếc xe tăng, tuổi thơ của thế hệ mình ai chẳng leo trèo ở đó. Mặt trước lô cốt có cái pano to đùng ghi mấy câu thơ cổ động của bác Thọ, chẳng còn nhớ nội dung. Sau khi đăng bài lên Facebook thì anh Lê Đức Dục, một nhà báo lớn, mới nhắc cho nhớ lại: “Xuân về trên đồi củ/Phấp phới ngọn cờ hồng/Cả hai tên xâm lược/Chôn một nấm mồ chung”, anh còn nhắc thêm một chi tiết là sợ người ta không biết hai tên xâm lược là ai nên thêm mấy chữ ở bên dưới: “Lô cốt Pháp, xe tăng Mỹ”…
            
Thưởng thức văn hóa nghệ thuật lúc đó, chỉ những ngày không mưa rét. Bởi rạp phim và nhà hát đều lộ thiên. Phim thì, từ khối XHCN hoặc hãng phim Giải phóng. Nhà hát thì chủ yếu là xem cải lương, thỉnh thoảng có xiếc từ trung ương về, cũng hay đáo để. Chuyện, ngồi xem phim bãi, buồn ngủ nằm lăn lóc ra, hết phim không ai gọi, sực tỉnh về nhà nữa khuya, vừa chạy vừa sợ ma đến khiếp. Lại có trò vui, lấy cái dây một đầu buộc vào kim băng, đầu kia cột cục đá, mò đến chỗ khán giả nữ nào hăng say coi trên màn ảnh, găm kim băng vô quần dây chun. Chờ hết phim, coi người ta đứng dậy bị cục đá rị tuột quần là cười ầm rồi bỏ chạy, hoang tợn.
          
May mà quên một chuyện, quan trọng lắm. Chỗ bên Bưu điện là cửa hàng lương thực. Xuân hạ thu đông, cứ sáng chủ nhật định kỳ trong tháng là đến đó đặt sổ gạo xếp hàng. Khi đến lượt, không quên giới thiệu mình có quen người này, biết người nọ, đại khái người ấy có làm chức chi đó quan trọng, để mấy chị mậu dịch viên vén cho phần gạo ngon. Gạo nhận về, khi vo để nấu, sạn cả vốc, lại còn mọt gạo nữa, hâm hẩm. Bên chùa Đông Hà là nhà sách, đối diện xéo nhà sách (chỗ khách sạn Ngân Hà bây giờ) là quầy kem mậu dịch, ngon lắm, có lẽ do thiếu thốn nên thấy thế. Sát đó là cửa hàng bách hóa tổng hợp, bán đủ thứ hàng, theo chế độ tem phiếu.







No comments: