Saturday, July 18, 2015

Ký Ức Về Quê Hương - Phần 3 - Chế Cẩm Đình

Ký Ưc Về Quê Hương
                                Bài của Chế Cẩm Đình

Kỳ 3

Chợ Đông Hà, trên bến dưới thuyền, tấp nập. Đò lên từ Cửa Việt, Mai Xá, đò về từ Cam Lộ, Phường 4, ken kín một đoạn. Những ai sống gần sông, thì đều dùng tiếng đò máy để xác định mốc thời gian, ví dụ như đò chạy ngược lên chuyến nhất là mười, chuyến thứ hai mười rưỡi, cứ nghe bạch bạch tiếng máy đò, canh
theo đó mà bắc cơm trưa. Chợ có đến mấy cổng, ngõ vào phía đường Phan Bội Châu, ngõ vào phía Phan Chu Trinh bây giờ, còn cổng chính ngay ngã ba đường 9A đi vào. Những bà con bên Cam Thanh, Cam Giang gánh bộ hoặc thồ hàng qua thì tắt từ ngay đầu cầu Đông Hà rẽ xuống dốc, đến cái triền đất nghiêng, chỗ mấy gánh Sơn Đông mãi võ hay bán thuốc trị thương, trị bịnh đủ thứ, tự quảng cáo bằng các chiêu lấy giáo đâm cổ, nuốt kiếm, chặt vào tay cho bị thương, lấy thuốc gia truyền ra bôi bôi xoa xoa mấy cái lành ngay tức thì, cho bà con thấy hiệu nghiệm, xin mời “mại dzô mại dzô”. Xuống thêm lần dốc ngắn nữa là vào ngay cổng chính, chỗ có mấy ông của Ban quản lý chợ đứng chờ sẵn dán cái tem giấy lên nón của mấy o mấy mệ gánh hàng, thu hai đồng phí. Từ cổng lui ra hai bên là những hàng dán áo mưa với dán dép nhựa, kê cái bàn nho nhỏ với cái ghế đẩu, bên cạnh bàn là mấy cái cơi hàn bằng sắt cắm vào ống than bằng cái phích nhưng thấp hơn, có quai xách để lâu lâu cầm lên quay vù vù hâm than cho rực để tăng nhiệt cơi hàn, dán lại mấy chỗ rách cho khách. Cái dép tổ ông màu vàng đục hoặc màu xám sậm, nhiều khi không có nhựa cùng màu, phải vá lên mấy miếng xanh có, đen có, thật tội. Bây giờ mà ai còn chiếc dép đó sót lại trong nhà, không chừng bán đấu giá được nhiều bạc lắm, người mua để lưu lại cái thời khó nhọc cơm áo của quê mình. Trong chợ, từ cổng vào bên trái là hàng bánh kẹo, những mấy chục quày nối nhau dài đến chỗ cổng số hai. Họa hoằn lắm mới được mẹ mua cho mấy cái kẹo gừng, kẹo chanh, còn bánh thì đắt hơn, chỉ Tết mới được ăn. Đối diện hàng bánh kẹo là hàng tạp hóa. Kế đó có đình chợ nằm ngang ra bến sông, trong đình là hàng ăn. Cũng chè cháo, cũng cơm bún nhưng đơn món, phục vụ cho người buôn bán, người đi chợ. Khách lỡ đường lỡ bữa cũng ăn ở đây chứ ngoài đường không mấy quán ăn như bây giờ. Cả thị xã chỉ có mấy hàng trên ngã ba bến xe, thêm một cửa hàng ăn uống Quốc doanh chỗ Coop Mart ngày nay, với đầu chợ cũng có thêm một chi nhánh Cửa hàng ăn uống Quốc doanh đó, nhưng sợ đắt nên người ta không dám vô.
           
Trên dốc cầu, đối diện chợ nhìn xuống qua bên kia là nhà kho Cảng vụ, dưới một chút là cảng sông, tàu thủy vài trăm tấn chở than đá vô và ăn thạch cao ra lại Bắc, chứ chẳng thêm hàng gì khác. Qua hết cầu Đông Hà, bên phải dưới bờ sông là Xí nghiệp sửa chữa tàu thủy, suốt ngày lóc cóc ầm ĩ tiếng búa gõ cho rụng rỉ hà, hàn lại những chổ hỏng của tàu, rồi sơn mới cho hạ thủy trở lại. Chuyện có thật, ngay dưới dạ cầu là những tụm người sống vương vãi, làm đủ thứ nghề bóc vác, xe thồ, móc túi, và cả đĩ. Khi có khách là trèo ngang qua thành cầu, chui vô cái dầm thép giữa hai nhịp, làm bãi đáp. Trẻ con đi học về cứ thấy có người trèo xuống dưới là đứng chờ để lò đầu xuống rình, cho vui. Lại có mụ Tận, một người tâm thần cứ sáng là đi vào từ phía Sòng, áo quần rách rưới, vừa đi vừa lẩm bẩm. Đến chợ, đi lang thang ai cho gì ăn nấy, quá trưa lững thững đi bộ trở về, ngày hạ như ngày đông. Thầy Thanh, người Cam Thanh, lúc trước nghe nói học rất giỏi, sau làm thầy giáo dạy ở trường 1A, chợt hóa điên, cũng năng qua về trên cây cầu này, tay cứ cầm cục phấn quẹt những đường ngoằn ngoèo trên thành cầu bằng thép vê, thỉnh thoảng đứng lại giữa cầu làm bộ như đang giảng bài, cầm phấn vẽ vào không khí những vòng tròn vô định.

Đổ xuống hết dốc cầu, bên phải là làng An Lạc, chuyên trồng hoa cúng hằng tháng và hoa Tết. Làng này có món bánh ướt rất ngon, giờ vẫn còn quán bán bên đó. Bên trái là kho Cung ứng xi măng, kế đến là Trung tâm Y tế Đông Hà, có chức năng như một bệnh viện hơn là công tác y tế, khám chữa bệnh cho cả thị xã Đông Hà, chỉ những ca nặng mới đưa vào bệnh viện Hà Lan cũ tuốt trong Triệu Lương. Cũng phía bên này thời ấy, chuyện bom bi nỗ thường xãy ra, chết người, đui mắt, què tay què chân không tránh khỏi. Mà trẻ con rất hay nghịch, đi học về cứ thấy có cục sắt lăn lóc bên bụi là lượm lên ném, nổ tan tành mọi thứ.

Ngược vô lại, từ cầu chợ về bến xe ngang qua cơ quan Tài chính thị xã Đông Hà có dãy nhà hai tầng, xéo trước mặt là hồ cá phường 2, sau này bị lấp phía trước xây lên dãy nhà phố rồi. Tết gần đến, chỗ khách sạn Đông Hà sát bên bến xe củ, là nơi có hội chợ. Đủ trò mua vui, chuột chui lỗ, ném phi tiêu, ném vòng, bắn súng nhựa. Từ khoảng 27 tháng chạp kéo đến mùng 4 là hết chơi. Được cái ngày xưa, pháo nỗ đì đùng, xác pháo Hà Sơn Bình đỏ tươi, xác pháo Nam Ô sẩm màu nhưng nổ đanh hơn hẳn. Từ ngã ba bến xe theo đường 9B đi lên đến Nhà hát mới, bên phải là nhà dân, xóm khá sung túc nhờ buôn bán. Bên trái là sân bay Đông Hà trong chiến tranh. Đến những năm tám mấy vẫn mấy đoạn còn nền bê tông đường băng, đoạn cuối gần đường tàu là hầm rác cũ của sân bay, sau được xăm lên tất, moi lấy bất cứ cái gì có thể bán được thì bán, dùng được thì dùng, kể cả thịt hộp đã mười mấy năm nằm dưới đất, chỉ hơi rỉ bên ngoài, khui ra vẫn còn thơm. Đồ phế liệu đào được, vô cân trong khóm 1, chỗ đường Tôn Thất Thuyết bây giờ. Từ ngoài đường 9B theo đường Hải Thượng Lãn Ông bây giờ băng qua cống tràn hồ Đại An hoặc theo đường Hàm Nghi lội bộ lên hết đường là vô tới đồi Cọ Dầu, trèo hái trộm cọ về ăn, nhiều khi bị bảo vệ đuổi bắn chỉ thiên hồn bay phách lạc, mà vui.

Ngày nay, người ta dùng số nhà, tên đường và khu phố để xác định địa chỉ cho tương đồng với tầm vóc của một thành phố thay cho cái thị xã nghèo những năm củ. Những tên Nhà Vòm, xóm Choi, xóm Chó, xóm Vạn, những làng Điếu, Dốc Sỏi, xóm Heo, Tây Trì, Chùa Tám Mái, bãi C15 để định chốn lúc xưa ngày càng ít người nhắc đến, từ từ tan theo con tuổi của thời gian…

Viết về quê hương, những dòng chữ như tự trào ra từ ngăn tim buồng phổi. Những điều thu nhặt, có mắt thấy tai nghe, có sự võ đoán, đều không khỏi thiếu sót. Mong được anh chị em chỉ dạy tường tỏ, sau có cái mà kể lại cho con cháu mình.

Cuối cùng, xin được nói về Triệu Phong. Trãi rộng và dài theo hai bờ sông Thạch Hãn, từ Ba Lòng - Triệu Nguyên (nay cắt về Đakrong) về Giang Ái Thượng bờ tây. Dinh Ái Tử, nơi chúa Tiên Nguyễn Hoàng đặt thủ phủ đầu tiên trong cuộc nam di vĩ đại của dân tộc, giờ là thị trấn huyện lỵ sau ngày lập lại huyện. Mé ngoài là Triệu Giang có làng Trà Liên chia làm hai bên bờ sông Thạch Hãn gọi là Trà Liên Tây và Trà Liên Đông. Nguyên do đất lỡ bên tây bồi sang bên đông, lệ cũ, dân bên lỡ được sang đó trồng tỉa, sau lập thôn mới. Đình làng Trà Liên Tây có thờ pho tượng đồng hơn năm trăm tuổi, tạc Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, cậu ruột và cũng là người dạy dỗ Chúa Tiên từ lúc 2 tuổi, khi tể tướng Nguyễn Kim còn chạy loạn trên Ai Lao. Qua khỏi Ái Tử vào phía trong là Triệu Thượng với các thôn chánh Nhan Biều, Trung Kiên, An Đôn (chuyển qua phường thuộc thị xã Quảng Trị) và Thượng Phước kề đập Trấm. Các thôn Nại Cữu phường và Tả Hữu phường là những thôn mà dân bên làng chánh phía Triệu Đông, Triệu Tài qua lập, lấy tên làng cũ. Ngay ngã tư Nhan Biều trên QL1A có cột cờ dựng năm 73 cao chót vót, tận Mỹ Chánh, Phong Điền (Huế) có thể thấy cờ giải phóng bay phấp phới vào ngày nắng để dân ta chạy loạn vào trong ấy biết đã giải phóng đồn nhau mà về.

Bên kia sông là những tên làng tên chợ kêu lên nghe tự hào lắm. Bích La, Hậu Kiên, chợ Đình, chợ Sãi tiếng còn vang mãi với thời gian. Bác Duẫn, sinh năm nhuận tháng nhuận gì đấy nên bố mẹ lấy mốc đó đặt tên cho con để dễ nhớ. Lại quê mình, âm Nhuận gọi là Duận, Dụn rồi chuyển sang Duẫn. Cũng nơi đây, họa sĩ Lê Bá Đảng lừng danh đã sinh ra. Kế đó có làng Bích Khê thuộcTriệu Long góp cho đời nhạc sĩ trữ tình Hoàng Thi Thơ. Vùng Triệu Thành trước là quận lỵ quân Triệu Phong, sau bom đạn chiến tranh phá nát cả, dân ly tán rồi về lại. Chợ Sãi là chợ huyện, ngày xưa nổi tiếng nem ngon, giờ chỉ còn làm chả đi bỏ khắp nơi. Chợ Đình thì còn vang câu hò:

“Bà con sinh sống gần xa
Nhớ về họp chợ mồng ba đình làng”
hoặc
”Tháng giêng giờ tý - mồng ba
Rủ nhau đi hội Bích La chợ Đình”

Đã trải qua hàng trăm năm, đến nay, lễ hội truyền thống chợ Đình làng Bích La vẫn được tổ chức chỉ một lần duy nhất trong năm: Vào đúng lúc “gà gáy canh tư”, bắt đầu khoảng 2 giờ khuya ngày mồng 2, rạng sáng ngày mồng 3 Tết Nguyên đán hàng năm.
Vùng dưới, Thuận Hòa Đại Độ với đồng lúa rộng cò bay mỏi cánh. Sát biển có An Vân Lăng kéo dài từ nam Cửa Việt vào giáp Hải Lăng. Mé ngoài sông có Triệu Phước với những tên làng Lưỡng Kim, An Cư có nhiều họ lớn, nơi danh ca Duy Khánh chào đời. Cái thời nghe băng cối bằng máy Sáp (Sharp là tên một nhãn hiệu điện tử, dân mình gọi bất cứ thứ máy nghe nhạc nào cũng đều là máy Sáp hết, như xe máy nào cũng là xe Hon Đa hết), tai chỏng lên, mà mắt cứ chăm nhìn vào cái máy như sợ không nhìn thấy cái tiếng nó bay ra. Thì đi đâu cũng Duy Khánh, số một, rồi mới đến Chế Linh, Thanh Tuyền..

Từ Quảng Trị thẳng về theo tỉnh lộ 64 chừng hơn 10 cây số là thị tứ Bồ Bản, nơi trung tâm của các xã vùng dưới. Ở đó có Trường PTTH Triệu Phong, để con em vào cấp 3 khỏi lên tới Quảng Trị hoặc Ái Tử xa xôi. Quanh vùng có chợ Thuận, còn đặc sắc lắm nét chợ quê với những sạp hàng trải ra trên nền đất để họp. Dưới một chút có làng Lệ Xuyên thuộc Triệu Trạch giỏi nghề ăn nói và buôn bán. Chuyện có người lái heo, đến làng ấy coi heo đã muộn, nhìn vào chuồng thấy đàn heo con trắng đốp, sướng mắt hỏi thõng mấy đực mấy cái? Chủ nhà đáp “đực hết” gỏn lọn. Lái ta như mở cờ trong bụng bởi phen này chắc trúng to, nhanh chóng làm giá, đặt tiền và dặn sáng ngày xúc sớm cho kịp chợ. Tờ mờ sáng, qua bắt hết đàn heo con cho vô rọ, chở lên chợ tỉnh bán. Trời sáng dần ra, nhìn vào đàn heo thấy toàn heo cái mà muốn xỉu. Bởi heo cái thì lười ăn chậm lớn hơn heo đực, ai mà mua. Đến trưa không bán được con nào, tức mình chở về lại bắt đền lão chủ. “Ai vẹ mua không dòm, tui nói đực hết là hết đực”, lão vặn. Lái ta tiu nghỉu quay về.
Mạn tay phải Cổ thành đổ xuống, cắt qua đập Trấm là Triệu Tài, Triệu Trung và đất cuối Triệu Sơn. Vùng này có làng An Trú mà dân gian còn gọi là U trán, Đau đầu, khác với làng Đạo Đầu cũng gần đấy, nói một phương ngữ rất riêng, giàu tính ngữ điệu. Ngang qua chút có Ngô Xá Đông, Ngô Xá Tây được lập từ thời Hồng Đức, đổi tên mấy lần do chữ (hán tự) xấu, dân làm ăn khó, rồi do húy kỵ thời Gia Long. Dọc theo làng này có con sông Vĩnh Định lươn rất nhiều. Dân trong làng lấy cái sào dài hơn đầu người gắn cái ngoéo thép một đầu vừa lội vừa thọc, cảm nhận có lươn vùng bên dưới là rút lên, túm chú lươn béo tròn, vàng hượm quăng vô cái thau để nổi trên mặt nước đến hả tay.
Quanh bờ Thạch Hãn cũng là nơi giàu văn hóa tôn giáo, tự xưa. Chùa Tịnh Quang ở Ái Tử được sắc phong Tổ đình Sắc Tứ, nơi linh nghiêm của phái phật giáo Bắc Tông trên đất Quảng Trị. Bên dưới Xuân An sát bờ sông, có chùa Long An, ngày trước gọi là chùa Sư Nữ dành cho nữ tu. Bên kia sông có chùa Tỉnh Hội là chùa lớn, có nhiều người đến tu và học tập. Trong các làng xã khắp vùng, các chùa An Lợi, chùa Dương Lệ Văn, chùa Hữu Liêm, chùa Kim Sơn được dựng ra giúp cho bà con nông dân có chỗ trú ngụ tinh thần, cầu mong cuộc sống tốt đẹp. Công giáo cũng thịnh ở đất này với các xứ đạo, làng đạo Đại Lộc, Dương Lệ Đông, Đồng Giám, Mỹ Lộc, Bố Liêu và Phan Xá bên dưới. Bên trên chuông nhà thờ ngân vang suốt ngày lễ các xứ An Đôn, Ngô Xá, Thạch Hãn, và Trí Bưu...

“Chẳng thơm cũng thể hương dàn
Chẳng trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”

(nguồn Hàn, tên dân gian gọi sông Thạch Hãn)
21/12/2014




No comments: